MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những bị cáo liên quan trong vụ án Công ty AIC được xác định đang bỏ trốn. Ảnh: Bộ Công an

Những bị cáo bỏ trốn vụ AIC sẽ thi hành án ra sao khi tòa tuyên án?

Việt Dũng LDO | 31/12/2022 13:58
Trong số 36 bị cáo liên quan đến vụ thông thầu của Công ty AIC tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, có 8 người sẽ nhận án phạt vắng mặt.

Sau 9 ngày xét xử, tranh luận, hôm 30.12, các bị cáo trong vụ thông thầu xảy ra tại Công ty AIC đã nói những lời "gan ruột" trước khi HĐXX TAND Hà Nội nghị án và ra phán quyết vào sáng 4.1.2023 tới đây.

Trong số 36 bị cáo, có 8 người được xác định bỏ trốn, trong đó có chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC bị xét xử vắng mặt. 

Dư luận quan tâm đến việc, những người bị tuyên án vắng mặt tới đây, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các quyết định của toà án ra sao? Cả khi bản án có hiệu lực pháp luật (sau phiên phúc thẩm) người bị tuyên án vắng mặt sẽ thụ án thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã đưa ra các quan điểm.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật thi hành án Hình sự năm 2019:

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định;

Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Như vậy, đối với những bị cáo đang bỏ trốn, sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã và thực hiện truy bắt.

Trường hợp bắt được thì áp dụng các quy định về thi hành án hình sự, thời điểm bắt đầu tính chấp hành hình phạt tù kể từ ngày thi hành quyết định của Cơ quan thi hành án hình sự.

Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ án thông thầu của Công ty AIC. Ảnh: TTXVN

Cùng trao đổi, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích thêm, theo quy định tại khoản 2, Điều 291 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Nếu xét xử trong những trường hợp này thì việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật sau khi được tuyên sẽ có những quy định cụ thể như sau:

Đối với bị cáo bị truy nã mà việc truy nã không có kết quả - không biết bị cáo đang ở đâu, thì khi nào bắt được bị cáo hoặc bị cáo đầu thú thì sẽ phải thi hành bản án mà tòa án đã tuyên.

Còn đối với bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp thuận, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật các bị cáo này không chấp hành thì trường hợp này sẽ bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về “dẫn độ để thi hành án hình sự”, nên cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để thi hành án.

Trong vụ án AIC, các bị cáo bị truy nã, khi đưa ra xét xử có bị cáo đã liên lạc với gia đình, luật sư bào chữa và tòa án xin xét xử vắng mặt, cũng có bị cáo bị truy nã nhưng không biết đang ở đâu, thì sau khi bản án do Toà án Nhân dân Hà Nội tuyên có hiệu lực pháp luật, thì sẽ được thực hiện theo các quy định trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn