MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân cần cảnh giác và có những biện pháp bảo vệ tài sản khi đi lễ chùa, trẩy hội để tránh bị đạo chích "hỏi thăm". Ảnh minh hoạ: Nguyễn Hải

Những biện pháp đối phó với đạo chích khi du xuân, lễ chùa đầu năm

Quang Việt LDO | 27/01/2023 06:17

Những ngày sau Tết Nguyên đán, người dân có thói quen đi du xuân, lễ chùa, trẩy hội và đạo chích nhằm cơ hội này để móc túi, lấy tài sản.

Ngày mùng 2 Tết (23.1), Chu Văn Dũng (30 tuổi, ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) đến chùa Trấn Quốc, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ với mục đích trộm cắp tài sản.

Tại đây, Dũng thấy có nhiều du khách sơ hở trong việc bảo quản tài sản, để điện thoại trong túi xách, túi đeo hoặc túi áo khoác ngoài.

Dũng trà trộn vào dòng người đi du xuân, cúng bái, áp sát họ để móc túi, trộm điện thoại di động.

Tại lối vào chùa Trấn Quốc, Dũng đã trộm được 4 chiếc điện thoại di động, trong đó có tài sản của chị H cùng 2 chiếc iPhone và 1 chiếc OPPO.

Sau đó, Dũng di chuyển sang Phủ Tây Hồ để tiếp tục trộm cắp tài sản với thủ đoạn như trên. Thanh niên này đã trộm được thêm 5 chiếc điện thoại di động.

Dũng bị bắt sau đó khi một phụ nữ trình báo bị kẻ gian móc túi, lấy chiếc điện thoại iPhone 14 Pro Max. Cảnh sát phát hiện trong 9 chiếc điện thoại Dũng trộm được, có tài sản của người phụ nữ này.

Sau Tết Nguyên đán, ở khu vực phía Bắc, nhiều lễ hội lớn đã và đang chuẩn bị diễn ra như: Hội chợ Viềng, lễ khai ấn đền Trần, phủ Dầy (Nam Định), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Tam Chúc (Hà Nam)…

Đây là những địa điểm đông người, dễ phát sinh sơ hở để các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi.

Mỗi năm hội chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định), phiên chợ họp một ngày duy nhất trong năm, thu hút hàng chục vạn du khách thập phiên đến tham quan, mua sắm cầu may.

Phiên chợ diễn ra vào thời điểm khá đặc biệt, từ 12h đêm ngày 7 tháng Giêng đến rạng sáng 8 Giêng. Thời điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho đạo chích gây án.

Theo Công an Hà Nội, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường lựa chọn những nơi tập trung đông người, nhất là những nơi diễn ra lễ hội lớn, để dễ bề hoạt động.

Ngoài đi một mình, các đối tượng thường hoạt động theo nhóm. Có nhóm lên đến hàng chục đối tượng, rải rác khắp nơi.

Theo đó, việc hoạt động theo nhóm giúp các đối tượng tham gia hỗ trợ, che chắn lẫn nhau, tuồn giấu tài sản hoặc cản trở người truy đuổi, giúp đồng bọn thoát thân khi bị phát hiện. Chúng trà trộn vào đám đông, xô đẩy để móc túi, lấy trộm tài sản.

Ngoài ra, lợi dụng lúc du khách mải chắp tay cầu khấn, các đối tượng tìm cách đánh lạc hướng như: Tự hạ lễ hay bê lễ của người bị hại đi nơi khác, châm hương làm cháy áo... khiến du khách bị phân tâm, sau đó nhanh tay trộm cắp tài sản.

Chính bởi vậy, du khách khi đi đến các khu vực lễ hội, đền, chùa trong thời điểm này nên cảnh giác với các thủ đoạn của ổ nhóm trộm cắp, tự bảo quản tài sản của cá nhân cẩn thận. 

Cơ quan công an khuyến cáo, du khách không nên mang theo quá nhiều tiền và những giấy tờ tùy thân không cần thiết. Với điện thoại di động cần giữ cẩn thận, cho vào túi áo trên và cài khuy.

Với các ví tiền, du khách không nên để ở túi quần sau, hoặc hai bên hông. Với điện thoại di động cần phải giữ cẩn thận, cho vào túi áo trên và cài khoá.

Tiền bạc không nên mang quá nhiều vì trộm cướp thường nhắm tới. Hãy dùng thẻ ATM, thẻ tín dụng sẽ an toàn hơn.

Chỗ cất tiền, giấy tờ, đồ quý nhỏ tốt nhất là ở túi trước, tốt nhất là trong những chiếc túi có nút khóa, túi nằm sâu trong áo khoác, hoặc ở túi bí mật, những nơi kín đáo sẽ giảm khả năng mất trộm.

Hoặc dùng “nịt ví” để đeo bên trong áo, dưới thắt lưng… Các loại ví, túi không vắt hờ trên vai, hay dưới thắt lưng.

Khi phát hiện hành vi trộm cắp cần hô hoán để người xung quanh cùng bắt giữ đối tượng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn