MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những cá nhân không bị xử lý hình sự trong đại án Vạn Thịnh Phát

MINH TÂM - NGỌC ÁNH LDO | 06/03/2024 16:57

TPHCM - Theo cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát công bố vào phiên xét xử sơ thẩm chiều nay (6.3), có tổng cộng 33 cá nhân không bị xử lý hình sự trong đại án Vạn Thịnh Phát.

Chiều 6.3, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát.

Các bị cáo nghe đọc cáo trạng trong phiên sơ thẩm ngày 6.3. Ảnh: Anh Tú

Theo đó, liên quan đến quá trình “làm sạch” các sai phạm của Ngân hàng SCB mà đoàn thanh tra, giám sát đã thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Đỗ Thị Nhàn, có nhiều cá nhân đã nhiều lần đề xuất lãnh đạo các cấp về việc đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, song không được cấp trên chấp thuận.

Trong quá trình thực hiện công tác giám sát SCB từ năm 2016 đến tháng 9.2022, có 11 cá nhân là thành viên Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên (gồm: Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín) chấp thuận.

11 cá nhân này là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, gồm: Trần Thị Hứng, Trần Thị Tuyết Mai, Phạm Công Hòa, Trần Thế Quỳnh, Nguyễn Thị Tâm Thương, Đoàn Phương Thảo, Phạm Thế Khải, Hoàng Minh Thắng, Lê Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hạnh Linh và Ngô Trần Kiến Quốc.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước - đã chỉ đạo cấp dưới che giấu sai phạm tại Ngân hàng SCB sau khi nhận 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Trong thời gian tham gia công tác giám sát, 10/11 thành viên nói trên được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ, tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra, đã chủ động khai báo rõ sai phạm trong công tác giám sát đối với Ngân hàng SCB, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Đối với Ngô Trần Kiến Quốc, có căn cứ xác định không tham gia Tổ giám sát nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, đối với Tô Duy Lâm - nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, do không can thiệp, không tham gia chỉnh sửa, phê duyệt nội dung báo cáo của Tổ giám sát liên quan đến các hành vi sai phạm nêu trên, nên chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với cá nhân này về trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra sai phạm của cấp dưới.

Với 17 cá nhân là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 1.2016 (Hồ Quang Bình, Trần Văn Bé, Đỗ Xuân Trung, Bùi Quang Vũ, Nguyễn Thái Sơn, Đỗ Đức Sơn, Phạm Xuân Kiên, Huỳnh Phương, Lỗ Minh Thiết, Đinh Quốc Bảo, Hoàng Xuân Tình, Nguyễn Hương Linh, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Tuấn, Phạm Thị Phương Hiền, Dương Thị Thùy Dung và Trần Đức Ngọc) và 4 cá nhân liên quan đến Đoàn thanh tra theo Quyết định số 81 ngày 08.6.2020 và Quyết định số 72 ngày 3/3/2022 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM gồm: Dương Thị Bạch Tuyết, Phạm Đức Quang, Hồ Thị Hương và Trương Duy Thanh cũng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự với những cá nhân này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn