MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chủ sở hữu thực sự của SCB. Ảnh: Anh Tuấn

Những cựu sếp SCB dưới cái bóng lớn của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Việt Dũng LDO | 24/11/2023 08:56

Với những hồ sơ được mã hoá riêng bằng ký hiệu “HSTT” được dành riêng việc cho vay trái quy định pháp luật của SCB với cá nhân, pháp nhân Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bị can Trương Mỹ Lan làm chủ và lãnh đạo, cán bộ nào phản ứng đều bị cho nghỉ việc hoặc phải chấp nhận làm sai.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây ban hành kết luận đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan.

Theo C03, sau khi thâu tóm phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dựng lên các lãnh đạo thân tín, hoặc người quen để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Cụ thể, những người này sẽ thực hiện các yêu cầu cho vay, giải ngân đối với cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Võ Tấn Hoàng Văn khai, từ năm 2020, các khoản vay cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tại trường dữ liệu ký hiệu là HSTT - viết tắt của Hội Sở Tiếp thị trên hệ thống quản lý Core Banking.

Trường thông tin này để làm cơ sở xác định các khoản vay thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phục vụ yêu cầu theo dõi thống kê, phê duyệt trái với quy trình vay thông thường.

Với quy định trên, từ lãnh đạo cao nhất: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đến Giám đốc các Chi nhánh, bộ phận của SCB phải thực hiện.

Tuy nhiên, có những cá nhân khi thấy cách làm sai của cấp trên đã phản ứng. Họ hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc chấp nhận làm sai.

Trong số này có bị can Nguyễn Anh Phước - cựu Phó Tổng Giám đốc SCB bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Nguyễn Anh Phước làm việc tại SCB cũ từ tháng 5.2005, đến SCB mới (làm đến ngày 16.8.2018), chức vụ cao nhất là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Hỗ trợ kinh doanh và khai thác tài sản.

Quá trình làm việc tại SCB (mới), bị can biết rõ hình thức cho khách hàng vay vốn gồm: Cho vay đối với nhóm khách hàng của bị can Trương Mỹ Lan, theo chỉ đạo của Võ Tấn Hoàng Văn, chiếm hơn 90% tổng thể các khoản vay; Cho vay khách hàng thông thường theo quy định, không cần ý kiến chỉ đạo của bị can Trương Mỹ Lan.

Trụ sở Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Anh Tú

Nguyễn Anh Phước biết, Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ gì, song bà này là cổ đông lớn, có nhiều khoản vay "khủng" tại SCB.

Các khoản vay của nhóm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Lan chỉ đạo SCB phê duyệt, giải ngân có đặc điểm nhận biết như: Số tiền cho vay lớn và rất lớn (từ hàng chục tỉ đồng trở lên); Phòng Tái thẩm định là đầu mối lập thông tin khoản vay gửi cho chi nhánh để thực hiện giải ngân luôn vào tài khoản khách hàng vay vốn, sau đó mới hoàn thiện thủ tục báo cáo, trình ký, phê duyệt; các khoản vay có mã ký hiệu HSTT trên hệ thống.

Nguyễn Anh Phước cũng biết, các khoản vay bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo cho vay như trên đều không đảm bảo điều kiện cấp tín dụng quy định, song vì là chỉ đạo nên phải thực hiện.

Việc SCB cho vay trái quy định, Nguyễn Anh Phước nhiều lần có ý kiến không đồng ý với Võ Tấn Hoàng Văn, nhưng được yêu cầu giải quyết, sẽ khắc phục sau.

Tuy nhiên, Nguyễn Anh Phước thấy số lượng khoản vay ngày càng nhiều, tiếp tục có ý kiến không đồng ý nên Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch HĐQT SCB cho nghỉ việc.

Song trước khi nghỉ việc, từ ngày 19.9.2014 đến ngày 12.2.2018, với các vị trí chức vụ khác nhau ở mỗi thời điểm, Nguyễn Anh Phước đã ký 3 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Trung ương, 2 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở; 24 Tờ trình tái thẩm định, 2 Tờ trình thẩm định cho vay đồng ý cho 28 khách hàng cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 31 khoản có dư nợ đến ngày 17.10.2022 là hơn 24.000 tỉ đồng.

Cá nhân khác làm tại SCB là Từ Văn Tuấn - cựu Giám đốc Trung tâm Kinh doanh khách hàng Wholesale bị đề nghị truy tố cùng tội danh với Phước.

Bị can Tuấn khai nhận thức rõ việc lãnh đạo SCB chỉ đạo các đơn vị kinh doanh lập hồ sơ cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là quy trình ngược, trái quy định pháp luật.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Tuấn cũng có nhiều lần kiến nghị bằng lời nói với cấp Phó Tổng Giám đốc SCB là làm sai quy trình, song vì lãnh đạo chỉ đạo kiên quyết, Từ Anh Tuấn và các nhân viên cấp dưới phải thi hành.

Ngoài ra, bản thân bị can chịu áp lực về chỉ tiêu, cũng như tin tưởng cấp Hội sở đảm bảo, không xảy ra hậu quả nên vẫn thực hiện dù thấy sai.

Một số bị can khác cũng thừa nhận, bản thân được các lãnh đạo Hội sở và chi nhánh cho biết, SCB phải phê duyệt, giải ngân đối với nhóm khách hàng liên quan đến “Madam” - một người có quyền lực tại ngân hàng này.

Sau này họ biết “Madam” là bị can Trương Mỹ Lan - chủ thực sự của SCB, có quyền điều hành, chỉ đạo các khoản vay liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát tại ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn