MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đi mua thuốc tại một tiệm thuốc tây ở TPHCM. Ảnh: K.Q

Những dấu hỏi phía sau vụ án thuốc chữa ung thư tại Công ty CP VN Pharma

NHÓM PV LDO | 26/08/2017 15:55
Ngày 25.8, TAND TPHCM đã tuyên bản án hình sự sơ thẩm vụ buôn lậu thuốc kém chất lượng chữa ung thư xảy ra tại Cty CP VN Pharma. Thế nhưng vẫn còn nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý, những kẽ hở trong lĩnh vực đấu thầu thuốc… phía sau vụ án này. 

Tòa đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Cty CP VN Pharma - 12 năm tù; đồng thời, Tòa cũng kiến nghị làm rõ những ai là cán bộ y tế đã nhận “hoa hồng” của VN Pharma.

Trách nhiệm của Cục Quản lý dược thế nào?

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế được xác định là đơn vị cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép được làm giả nên theo chuyên gia pháp lý, Cục Quản lý dược phải bị truy cứu trách nhiệm.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2013 đến 2014, ông Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc VN Pharma) đã đặt lô hàng 9.300 hộp thuốc Capita 500mg Caplte điều trị ung thư của Công ty dược phẩm ở Canada để cung cấp cho các bệnh viện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phía Pharma không đủ hồ sơ kỹ thuật nên Hùng đã chỉ đạo thuộc cấp làm giả hồ sơ. Bộ hồ sơ trên được gửi lên Cục Quản lý dược, đã trải qua hàng loạt quy trình kiểm tra, thẩm định chặt chẽ từ tổ thẩm định, nhưng không hiểu vì lý do gì, Cục đã bị “qua mặt”.

Được biết, tổ thẩm định có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu của Bộ Y tế, như ông Nguyễn Tấn Đạt - Cục phó Cục Quản lý dược, ông Phạm Công Chiến - Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, bà Lê Thuý Hương - Trưởng phòng Pháp chế. Những người này được xác định có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của hồ sơ do VN Pharma cung cấp.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - nhận định, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm các bên liên quan. Tiến sĩ Thiệp nói thêm, vụ án đã thể hiện rõ nét sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý dược phẩm.

“Thật khó tin khi hàng loạt bộ hồ sơ giả mạo lại có thể qua mắt được tổ thẩm định với các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế. Do đó, những người liên quan đến vụ việc này không thể vô can” - luật sư Lê Văn Thiệp phân tích.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng luật sư số 7, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - nhận định, các cán bộ, chuyên viên ở Cục Quản lý dược, Bộ Y tế là người phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của mình.

“Không thể cấp phép cẩu thả như vậy được, bởi đó là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến công tác khám-chữa bệnh. Nếu cứ qua loa, đại khái, hoặc thậm chí có dấu hiệu trục lợi từ những việc làm trên, nhất thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự ở các hành vi thiếu trách nhiệm, hay cố ý làm trái” - luật sư Vi Văn A nhận định.

TAND TPHCM đã tuyên bản án đối với các bị cáo trong vụ án tại Cty CP VN Pharma. Ảnh: GT

Đâu là “lỗ hổng” lớn trong quản lý thuốc?

Trở lại vụ việc của VN Pharma tham gia đấu thầu tập trung năm 2014 của Sở Y tế TPHCM, Cty VN Pharma do ông Nguyễn Minh Hùng làm Tổng Giám đốc đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc của Sở Y tế TPHCM.

Cùng lúc đó, Cty Dược Nam Anh cũng do Nguyễn Minh Hùng làm Phó Tổng Giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208,4 tỉ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TPHCM. Tổng cộng, hai Cty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng.

Như vậy, ngoại trừ H-Capita đã bị thu hồi trước khi đưa ra thị trường thì rất nhiều loại thuốc của Cty VN Pharma đã vào được các bệnh viện theo đường đấu thầu.

Điển hình như tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Giám đốc bệnh viện - cho biết, bệnh viện đã sử dụng một số loại thuốc do Cty VN Pharma cung ứng. Bởi theo cơ chế đấu thầu tập trung, các bệnh viện sẽ lên danh sách hoạt chất với biệt dược gốc, thuốc generic số lượng ra sao, thuốc sản xuất trong nước, nhập khẩu bao nhiêu…

Sở Y tế đấu thầu tập trung theo nguyên tắc thuốc đủ điều kiện đấu thầu và giá thành rẻ hơn sẽ trúng thầu. Có nghĩa là, bệnh viện chỉ đưa ra hoạt chất, số lượng và sử dụng thuốc dựa trên kết quả đấu thầu của Sở Y tế.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho rằng, cuối cùng, cơ chế đấu thầu tập trung đã lộ ra những lỗ hổng lớn. Thời điểm năm 2014, Cty VN Pharma là một Cty rất mới, thành lập năm 2011, năm 2014 mới đủ thâm niên 3 năm để tham gia đấu thầu. Một Cty “chân ướt chân ráo” còn trẻ măng đã trúng lớn ở Sở Y tế. Chưa kể, trước đợt đấu thầu tập trung, Cty này đã trúng thầu ở nhiều địa phương khác, kể cả một số bệnh viện lớn ở TPHCM.

Một điểm đáng lưu ý, năm 2014 thuốc H-Capita của VN Pharma đã trúng thầu vào bệnh viện ở TPHCM. Chính Sở Y tế TPHCM đấu thầu tập trung với giá kế hoạch mời thầu là 66.000 đồng/viên. Kết quả đợt đấu thầu này, thuốc của VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng/viên. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ việc khi vừa nhập về VN, Bộ Y tế xác định lô thuốc này không rõ nguồn gốc, không đủ các điều kiện sử dụng cho người. Do đó, Bộ đã niêm phong lô hàng, cấm lưu hành ra thị trường. Như vậy, thuốc chưa đến tay người bệnh nhưng đã có tới 7,5 tỉ đồng để chi hoa hồng?

Những câu hỏi liên quan đến cơ quan quản lý là Bộ Y tế liên quan đến vụ việc trên vẫn đang để ngỏ. Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý dược nhưng chưa nhận được câu trả lời. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cũng cho biết, vụ VN Pharma cần phải làm rõ các khâu đưa thuốc vào VN.

Ai “trả hoa hồng” cho bác sĩ?

Trong vụ VN Pharma, cơ quan điều tra làm “lòi” ra khoản tiền 7,5 tỉ đồng mà dàn lãnh đạo Cty VN Pharma nói là tiền hoa hồng cho bác sĩ. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: “Cơ quan điều tra cần làm rõ, 7,5 tỉ đồng này là tiền chi cho ai, cho những loại thuốc nào? Vì Cty VN Pharma đã cung ứng rất nhiều loại thuốc khác chứ không chỉ thuốc giả H-Capita. Thuốc H-Capita bị nằm trong kho, chưa đưa ra thị trường thì không thể có chuyện kê đơn hay hoa hồng. Con số có dừng lại ở 7,5 tỉ đồng hay còn hơn?

Theo tôi, phải làm rõ 7,5 tỉ đồng này là tiền hoa hồng cho bác sĩ không thôi, hay còn kê cho những đối tượng khác thì thủ cục cấp phép thuốc mới…nhanh cấp như thế?”.

Bày tỏ về vấn đề bác sĩ nhận tiền hoa hồng, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định đó là một việc không được phép. Thứ nhất, tiền hoa hồng có thể tác động vào việc kê đơn thuốc của bác sĩ. Bác sĩ kê đơn không phải vì quyền lợi người bệnh mà vì quyền lợi của… bác sĩ.

Thứ hai, hoa hồng “đội” chi phí thuốc lên cho bệnh nhân khiến bệnh nhân phải điêu đứng. Hay nói cách khác, hoa hồng của Cty dược là một trong những yếu tố làm tăng giá thuốc.

Theo bà Lan, cần có chế tài về việc nhận hoa hồng của bác sĩ. Phải coi đó là hành vi không được phép và có biện pháp xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, Cty kê khống giá thuốc cũng phải bị xử phạt nghiêm minh. Bởi tiền kê khống giá thuốc nhằm mục đích có chi phí kê hoa hồng cho bác sĩ. Trong khi đó, bệnh nhân xài thuốc phải “gánh” khoản tiền này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn