MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Những lưu ý với người dùng CMND 9 số chuyển sang căn cước công dân gắn chip

Vương Trần LDO | 21/04/2021 15:07

Với những người đang dùng Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số khi đổi sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần biết những lưu ý sau đây để chủ động trong việc đổi thẻ và thực hiện các thủ tục hành chính.

Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

Bộ Công an cho biết, dự kiến, đến trước ngày 1.7.2021, trên cả nước sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân mới đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ, ưu tiên cấp cho các cá nhân từ 14 tuổi trở lên và thường xuyên thực hiện các giao dịch.

Ngày 21.4, trao đổi với PV Lao Động, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Với những người đang dùng Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số khi đổi sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần biết những lưu ý sau đây để chủ động trong việc đổi thẻ và thực hiện các thủ tục hành chính.

Nếu CMND còn hạn thì không bắt buộc đổi sang CCCD gắn chip

Luật sư Huế cho biết, theo Điều 38 Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (1.1.2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Tuy nhiên, sau khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành, chỉ có 16 tỉnh, thành phố Trung ương cấp Căn cước công dân mã vạch, còn lại vẫn tiếp tục cấp Chứng minh nhân dân.

Vì thế, theo tinh thần của Luật này, những người đang sử dụng CMND 9 số, nếu còn hạn sử dụng vẫn được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn 15 năm theo quy định. Người dân có nhu cầu đổi hoặc thẻ bị sai sót, mất, hỏng… thì mới phải đi đổi sang Căn cước công dân.

Theo luật sư Huế, dù không bắt buộc, người dân vẫn nên đi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip để được hưởng những ưu thể vượt trội của CCCD gắn chip.

Đổi sang CCCD gắn chip bị đổi số

Luật sư Huế cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân quy định: Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Còn CMND 9 số chỉ có 9 số và không phải mã định danh cá nhân.

Vì thế, khi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip sẽ bị đổi số.

Phải đính chính/cấp lại nhiều giấy tờ

Cũng theo luật sư Huế, chính từ việc bị đổi số mà khi chuyển từ CMND 9 số sang CCCD gắn chip, công dân cần đi đính chính/cấp lại một số loại giấy tờ như hộ chiếu, tài khoản ngân hàng…

Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không bị làm khó khi thực hiện thủ tục, nhất là khi bị mất, thất lạc Giấy xác nhận số CMND.

Lưu ý về việc xin Giấy xác nhận số CMND

Vị luật sư đoàn TP.Hà Nội lưu ý, khi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip sẽ bị đổi số. Vì thế, để thuận tiện trong các giao dịch với cơ quan hành chính, ngân hàng… người dân cần xin Giấy xác nhận số CMND.

Tuy quy định là như vậy, nhưng hiện nay, trên thẻ Căn cước công dân mẫu mới có mã QR ở mặt trước của thẻ. Khi quét mã này sẽ hiển thị thông tin về họ và tên của người cấp, số Chứng minh nhân dân cũ...

Vì thế, nhiều tỉnh không còn tự động cấp Giấy xác nhận số CMND (chỉ cấp khi được yêu cầu) mà giao các sở, ban ngành khai thác thông tin trong mã QR code trên thẻ CCCD gắn chip thay thế giấy xác nhận số CMND trong giao dịch hành chính, dân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn