MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày cận Tết, mong ước lớn lao nhất của phạm nhân tại trại giam Yên Hạ là được ngồi ăn cùng gia đình bữa cơm đoàn viên. Ảnh: Ngô Cường

Những tâm tư ngày cuối năm phía sau cánh cổng trại giam

Khánh Linh LDO | 21/01/2023 11:44

Sơn La - Những ngày cận Tết, với những phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Yên Hạ, họ luôn mang ước nguyện sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, ăn bữa cơm chiều cuối năm.

Trại giam Yên Hạ (thuộc Bộ Công an, đóng tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) những ngày giáp Tết dường như hối hả và nhộn nhịp hơn. Từng đoàn người thân đến thăm, những chiếc bánh chưng đong đầy tình nghĩa cũng đã được gói và chuyển đến tay các phạm nhân, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để đón thời khắc thiêng liêng chào năm mới. 

Trong lớp học xoá mù chữ ở phân trại 1, phạm nhân Sùng A Páo (SN 1993, trú tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) đang chăm chú đọc theo từng con chữ trên bảng, thi thoảng lại hướng mắt ra những bông hoa đào phía ngoài cửa sổ. 

Vào chấp hành án tại trại giam Yên Hạ từ tháng 6.2022, năm nay là cái Tết thứ 2 A Páo đón Tết xa mẹ và các con.

A Páo tâm sự: “Mỗi lần đến Tết, cứ thấy lo lắng, bồn chồn, làm sao mà khó tả lắm, không biết nói sao, chỉ biết là nhớ mẹ và các con vô cùng”.

Các phạm nhân trại giam Huy Hạ gói bánh chưng Tết. Ảnh: Ngô Cường 

Theo phạm nhân người dân tộc Mông này, sau khi hai vợ chồng chia tay mỗi người mỗi ngả, một tay anh phải lo cho mẹ già và 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Gánh nặng dồn lên vai một thanh niên không biết chữ, không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào mảnh nương khô cằn nơi lưng chừng núi.

Túng quá làm liều, Páo đã buôn bán trái phép chất ma tuý, sau đó bị bắt ở độ tuổi 29 và bị kết án chung thân, để lại mẹ già, con thơ nơi quê nhà. 

“Mới đây, mẹ vừa lên thăm, nhà khó khăn nên cũng chẳng mang cái gì, mang ít đồ ăn cho thôi. Mình biết giờ vào đây làm khổ mẹ, khổ em trai và các con nên ân hận lắm. Mình chỉ muốn khuyên cho các bạn trẻ hãy cẩn trọng với hành động của mình, đừng làm việc trái với pháp luật", A Páo nói và liên tục lấy tay gạt nước mắt khi nhắc về người mẹ.

Còn với phạm nhân Vàng A Minh (SN 1988, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - người đã có đến gần 10 đêm giao thừa đón Tết sau song sắt - thì mỗi lần Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê hương, gia đình lại ngập tràn con tim. 

Phạm nhân được gia đình vào thăm.

Thở dài khi nghe PV hỏi chuyện, A Minh cho biết mình bị tuyên án 13 năm 6 tháng tù giam về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Nhờ cải tạo và chấp hành tốt nên sau 2 lần giảm án, thời hạn chấp hành án của phạm nhân này còn 54 tháng tù giam.

"Người Mông mình thường ăn Tết trước Tết Nguyên đán một tháng, cứ cuối năm là vợ chồng, con cái xuống chợ huyện mua bánh kẹo Tết. Mấy năm rồi vợ lên thăm mình, thấy vợ vẫn mặc một chiếc váy cũ, mình thương và ân hận lắm" - vừa nói, A Minh vừa đưa ánh nhìn xa xăm.

Tâm sự với những phạm nhân nơi đây mới thực sự hiểu rằng hơn ai hết, họ thèm một bữa cơm chiều tất niên đoàn viên cùng gia đình - điều tưởng chừng giản dị nhưng với những con người nơi đây là cả một mong ước lớn lao. 

 Phạm nhân chơi thể thao trong khuôn viên trại.

Nhất là thời khắc giao thừa, không ai bảo ai, nhưng sau tiếng tiếng pháo mừng năm mới từ phía xa bên thị trấn Phù Yên, cả dãy nhà cùng im phăng phắc. Tất cả đều dành những phút giây thiêng liêng đầu năm mới để nghĩ về gia đình, nghĩ về những phút giây lầm lỡ để quyết tâm cải tạo thật tốt mong sớm được trở về. 

Trung tá Nguyễn Chi An - Đội trưởng Đội Giáo dục, Trại giam Yên Hạ cho biết: "Tết là đoàn viên, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình và những phạm nhân đang thụ án không ngoại lệ. Thấu hiểu được điều đó, để động viên, giải tỏa tâm lý cho các phạm nhân, ngoài hoạt động gói bánh chưng, trại giam còn tổ chức các hoạt động vui xuân nhằm giúp họ vơi bớt nỗi cô đơn, hụt hẫng, mặc cảm”.

Trại giam Yên Hạ có 3 phân trại, đóng tại các xã trên địa bàn huyện Phù Yên, hiện đang quản lý và giam giữ trên 3.000 phạm nhân, trong đó có 200 người chấp hành án chung thân. Các phạm nhân tại đây có đến 70% là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế và có đến 80% là phạm nhân phạm tội liên quan đến ma tuý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn