MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng bắt cóc bé Gia Bảo - Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an. Ảnh: V.Hoàng.

Những vụ bắt cóc trẻ em chấn động: Chuyên gia tâm lý tội phạm khuyến cáo

Việt Dũng LDO | 23/08/2020 17:46
Trước vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh, gần 9 năm trước, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ chiếm đoạt trẻ sơ sinh tại Hà Nội mà nghi phạm đều là phụ nữ.

Hai vụ chiếm đoạt trẻ em gây xôn xao dư luận

Một buổi sáng đầu tháng 11.2011, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) xảy ra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt trẻ em. Nạn nhân là bé trai vừa tròn 3 ngày tuổi con của sản phụ Trần Thị T (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Đối tượng đã giả danh là bác sĩ mặc áo blue vào nói với phụ sản là: Bác sĩ đưa cháu đi xét nghiệm. Sau đó thì không thấy đem trở lại.

Sau 5 ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội xác định và bắt giữ nghi phạm là Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang).

Lệ khai lấy chồng tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Qua chung sống với chồng, Lệ mang thai, nhưng do nhiều mâu thuẫn, nên Lệ bỏ về nhà mẹ đẻ tại Bắc Giang để ở. Đầu tháng 11.2011, Lệ sinh con tại bệnh viện Gia Lâm, Hà Nội.

Tuy nhiên, điều không may là cháu bé trong bụng Lệ đã chết do lưu thai. Vì muốn quay trở về nhà chồng, Lệ đã nghĩ ra thủ đoạn đột nhập vào bệnh viện để cướp trẻ sơ sinh, rồi quay trở về nhà chồng bình thường như là mình đã sinh con.

Với hành vi trên, ngày 9.4.2012, Lệ bị TAND quận Hoàn Kiếm tuyên phạt 4 năm tù về tội Chiếm đoạt trẻ em.

Hôm 21.8, tại Bắc Ninh, trong lúc được bố đưa đi chơi ở khu vui chơi tại thành phố Bắc Ninh, bé Nguyễn Cao Gia Bảo (SN 2018, ở TP Bắc Ninh) bị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê Cao Bằng) bắt cóc đưa về Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau hơn một ngày gây án, nghi phạm này đã bị bắt, cháu bé được giải cứu an toàn.

Một số luật sư cho rằng, hành vi của Thu đã cấu thành tội danh Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Chuyên gia tội phạm học khuyến cáo

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho hay, thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng.

Chúng có thể sử dụng những “chiêu thức” như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng), đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng;

Giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi...

Vậy cần làm gì để chủ động phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em?, theo trung tá Hiếu, điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi những “mẹ mìn”, là việc giáo dục kỹ năng. Bố mẹ, người thân thì không thể lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi.

Vì thế, việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, để cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

Dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú Công an, chú Bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.

Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả, kể về tình hình của mình và đề nghị giúp đỡ liên lạc ngay với bố mẹ...

Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.

Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc những “người lạ có thể tin tưởng” ở gần đó...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn