MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Kế. Ảnh: VOV.

Những vụ trốn truy nã, ẩn mình trong "vỏ bọc" cảnh sát, chánh văn phòng tòa

Mai Hường LDO | 01/12/2019 17:20
Vi phạm pháp luật, bỏ trốn hàng chục năm, những người đàn ông mang thân phận mới, thành chánh văn phòng tòa án, công dân gương mẫu, cảnh sát… song không thoát khỏi “lưới phát luật”.

26 năm trước, Nguyễn Quang Huy mới 20 tuổi. Huy cùng 4 thanh niên khác có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống Thủy điện Hòa Bình – vốn là công trình an ninh quốc gia. Trong khi 4 người bị bắt, đưa ra xét xử về tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Huy “lặn mất tăm”.

Trong khi cơ quan điều tra ra quyết định truy nã với Huy, anh ta vẫn sinh sống tại chính địa bàn từng phạm tội. Điều ngạc nhiên, người đàn ông này, mặc dù bị truy nã, song “leo” tới chức Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình).

Trong quá trình công tác, Huy còn được TAND tỉnh Hòa Bình cử đi học lớp nghiệp vụ thẩm phán. Vỏ bọc hoàn hảo này của Huy bị cảnh sát phát hiện khi cơ quan chức năng xác minh lý lịch. Ngày 28.11 vừa qua, Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Huy sau 26 năm bị can trốn truy nã và vào cơ quan Nhà nước làm việc.

Trốn truy nã, tham gia lực lượng Công an nhân dân

Giữa tháng 10 vừa qua, TAND TP.Hồ Chí Minh mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ của Trịnh Hữu Vinh (30 tuổi, trú tại quận Gò Vấp) về tội Cướp giật tài sản. Trước khi hầu tòa, Vinh có một lý lịch đẹp, đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Việc Vinh phải ra trước tòa bởi trong quá khứ hơn 10 năm trước, anh ta cùng với đồng bọn gây ra vụ cướp giật tài sản. Theo hồ sơ, trưa 6.7.2007, trong khi cùng nhóm bạn 4 người đi chơi, đến đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), thấy hai thanh niên chở nhau bằng xe máy, nghe điện thoại, Vinh đã rủ giật tài sản của họ.

Vinh chở bạn, áp sát bị hại, giật điện thoại, còn hai người trong nhóm có nhiệm vụ cản đường. Trong khi hai người bạn bị bắt, Vinh cùng người còn lại bỏ trốn.

Tháng 10.2007, cơ quan chức năng khởi tố bị can, song Vinh bỏ trốn khỏi địa phương. Đầu năm 2008, cảnh sát phát lệnh truy nã với Vinh.

Sau khi gây án, Vinh phục vụ có thời hạn tại Phòng Chiến sĩ bảo vệ - Công an TPHCM (từ năm 2008-2010) rồi học tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Từ tháng 8.2016 đến tháng 12.2018, Vinh công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TPHCM. Đến ngày 24.8.2018, Vinh bị tước danh hiệu Công an nhân dân và bị khai trừ khỏi Đảng.

Tháng 12.2018, Vinh đã đến công an tự thú. Tháng 7.2019, TAND quận Tân Phú xử sơ thẩm đã tuyên phạt Vinh 3 năm 6 tháng tù giam về tội "Cướp giật tài sản". Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Xét kháng cáo của Vinh, Tòa phúc thẩm đã chấp nhận giảm cho bị cáo còn 2 năm tù giam.

Đổi tên họ, trở thành công dân gương mẫu sau khi phạm tội

Không giống với Huy và Vinh, bị can Nguyễn Văn Kế (trú ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trong 26 năm trốn truy nã, đã thay tên, thành “con người mới”.

Song sau nhiều năm ẩn mình dưới vỏ bọc một công dân gương mẫu, được bầu làm công an viên tại địa phương nơi bị can trốn truy nã, hành tung của người đàn ông này vẫn bị phát hiện.

Theo hồ sơ vụ án, năm 1993, Kế phạm tội Hủy hoại công trình an ninh quốc gia và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong khi đồng phạm bị đưa ra xét xử, Kế bỏ trốn và bị truy nã.

Kế bỏ trốn vào tận Easuk, tỉnh Đắk Lắk, dưới cái tên Nguyễn Duy Thành. Tại địa phương này, Kế lấy vợ, sinh con và lập nghiệp, luôn mẫu mực trong cuộc sống. Dưới vỏ bọc mới, Kế tham gia nhiệt tình các hoạt động của địa phương nên được bầu làm công an viên trong thời gian dài.

Trong khi đó, cơ quan công an tổ chức nhiều lần tìm kiếm, vận động gia đình khuyên Kế ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật, song tung tích bị can vẫn kín kẽ.

Đến đầu tháng 8, lực lượng chức năng đã phát hiện ra người đàn ông này sống ở Easuk, tỉnh Đắk Lắk, nên tiếp tục truy tìm. Trung tuần tháng 9, Kế bị bắt giữ khiến nhiều người địa phương không khỏi ngỡ ngàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn