MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một điểm trông giữ phương tiện vi phạm giao thông ở Hải Phòng. Ảnh: TB.

Những vướng mắc trong xử lý tang vật, phương tiện vi phạm giao thông ở Hải Phòng

Phạm Đông LDO | 12/11/2018 10:37
Tại Hải Phòng, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ thời gian vừa qua ngày càng lớn, dẫn tới tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm; công tác quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 12.11, UBND TP.Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 31.8.2018, tổng số các phương tiện được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm thuộc Công an TP.Hải Phòng là 2.640 phương tiện, bao gồm 16 ôtô; 2.359 môtô; 99 xe máy điện; 35 xe thô sơ các loại, 131 xe tự chế. Trong đó, số phương tiện quá thời hạn tạm giữ là 2.443 xe, gồm: 15 ôtô, 2.165 môtô, 97 xe máy điện, 35 xe thô sơ các loại, 131 xe tự chế.

Trong số này, phương tiện quá thời hạn tạm giữ đủ điều kiện để trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý và sử dụng hợp pháp là 34 xe mô tô; phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước là 306 xe môtô; phương tiện đang được xử lý theo phương thức khác là 1.683…

Số phương tiện quá thời hạn tạm giữ còn tồn đọng, chưa được xử lý là 420 phương tiện, trong đó có 368 môtô, 19 xe máy điện, 5 xe thô sơ và 28 xe tự chế.

Tuy nhiên theo Công an thành phố, khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính hiện nay là việc xác minh phương tiện tồn đọng mất rất nhiều thời gian. Các phương tiện giao thông bị thu giữ đều cũ nát, số khung, số máy bị tẩy xóa, phương tiện chuyển nhượng qua nhiều người, chủ sở hữu ở các địa phương khác hoặc người vi phạm khai không đúng tên tuổi, địa chỉ, không ký biên bản…

Bên cạnh đó, việc gửi thông báo tới chủ phương tiện bằng thư bảo đảm khó thực hiện do địa chỉ người vi phạm không cụ thể, rõ ràng; một số hành vi vi phạm có mức xử phạt cao, phương tiện cũ có giá trị thấp nên người vi phạm không đến xử lý.

Mặt khác, thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hiện cũng chưa rõ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay thuộc Bộ Công an để UBND thành phố có cơ sở triển khai thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn