MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an thành phố Ninh Bình triệu tập đối tượng Đinh Thị Phương Anh, SN 1999, (trú tại phố Vạn Thịnh, phường Bích Đào, Thành phố Ninh Bình), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Ảnh: NT

Ninh Bình: Nhiều chiêu bài lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng

DIỆU ANH LDO | 14/04/2022 07:38

Ninh Bình - Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện tình trạng các đối tượng giả mạo tin nhắn, chuyển tiền qua tài khoản, mua bán thông tin cá nhân... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Lợi dụng hình thức chuyển khoản để lừa đảo

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc mua bán hàng hóa qua mạng xã hội và thanh toán qua chuyển khoản qua ứng dụng smart banking của các ngân hàng trở nên khá phổ biến. Lợi dụng điều này, một số đối tượng phạm tội đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Mới đây nhất vào tháng 3.2022, Công an huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã điều tra, bắt giữ đối tượng Lê Văn Toản, sinh năm 1997, (trú ở xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, Ninh Bình) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Theo điều tra của Công an huyện Gia Viễn, lợi dụng sự chủ quan, thiếu cảnh giác của một số tổ chức, cá nhân trong quá trình mua bán trực tuyến, chuyển tiền qua tài khoản các ngân hàng, Lê Văn Toản đã thực hiện 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại gần 45 triệu đồng trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, hàng ngày Lê Văn Toản đến các công ty, cửa hàng, siêu thị hoặc lên mạng tìm kiếm người bán hàng trên mạng xã hội đặt mua sản phẩm, sau đó chốt đơn và đề nghị thanh toán tiền hàng qua tài khoản mở tại các ngân hàng. Sau đó, lợi dụng việc chuyển tiền trên website khác ngân hàng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì người nhận không nhận được tiền ngay, Lê Văn Toản đã sử dụng điện thoại chụp lại các giao dịch chuyển tiền rồi dùng phần mềm công nghệ chỉnh sửa cho phù hợp với thời gian giao dịch, chủ tài khoản, số tài khoản của người được thụ hưởng với số tiền bằng hoặc cao hơn số tiền mua hàng.

Đối tượng Lê Văn Toản bị Công an huyện Gia Viễn bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: NT

Sau đó Toản gửi hình ảnh kết quả giao dịch cho người bị hại qua tài khoản Zalo hoặc Facebook để tạo niềm tin cho người bán hàng. Người bị hại vì thiếu cảnh giác hoặc thiếu kiến thức về giao dịch chuyển khoản cho rằng mình đã nhận được tiền nhưng vì là ngày lễ, ngày nghỉ nên ngân hàng chưa thực hiện chuyển tiền, đã giao hàng cho đối tượng thậm chí còn thanh toán lại số tiền dư từ số tiền mua hàng của Lê Văn Toản.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn dùng các thủ đoạn khác như giả mạo tài khoản Facebook, Zalo của lãnh đạo, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... để nhắn tin, gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.

Đặc điểm chung của các đối tượng này thường giả danh là người quen của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin và thực hiện ý đồ lừa đảo.

Ngoài ra, các đối tượng này thường xuyên tham gia vào các nhóm Facebook, trang fanpage của học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, giả danh nhân viên ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng để lừa đảo.      

Thu thập dữ liệu cá nhân, bán cho người nước ngoài

Vừa qua, Công an huyện Kim Sơn (Ninh Bình) nhận được tin báo về việc có 2 nam thanh niên lạ mặt đang lôi kéo nhiều người dân xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, Ninh Bình để mượn căn cước công dân và chụp ảnh không rõ mục đích.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Kim Sơn đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và xác định 2 nam thanh niên trên là Hoàng Ngọc Giáp, sinh năm 1995 và Trần Văn Tình sinh năm 1993, (cùng trú tại huyện Kim Sơn).

Qúa trình điều tra, các đối tượng này khai nhận, vào khoảng tháng 2.2022, quá trình tham gia chơi trên các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế, Giáp có quen biết với một người mang quốc tịch nước ngoài nhưng không rõ tên, tuổi, địa chỉ. Người này nói chuyện với Giáp trên ứng dụng Telegram và đặt vấn đề nhờ Giáp lấy các thông tin dữ liệu cá nhân của nhiều người để bán lại với giá 35 USD/người.

Các đối tượng thu thập thông tin cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để bán cho người nước ngoài. Ảnh: NT

Giáp đồng ý và rủ thêm Trần Văn Tình và Nguyễn Thị Ngọc Bích, sinh năm 2001, (trú tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn) cùng tham gia. Ban đầu, Giáp, Tình và Bích xin thông tin cá nhân của người thân trong gia đình và bạn bè quen biết. Sau đó, cả 3 đối tượng này nhờ bạn bè, người thân giới thiệu thêm người để lấy thông tin cá nhân và hứa sẽ trả cho mỗi người cung cấp thông tin số tiền 300.000 đồng. Giáp yêu cầu mỗi người phải cầm trên tay giơ trước ngực một tờ giấy trắng khổ A4 để chụp ảnh chân dung, sau đó yêu cầu người dân đưa thẻ căn cước công dân để chụp ảnh.

Bằng thủ đoạn trên, Giáp, Tình và Bích đã thu thập được thông tin dữ liệu cá nhân của hơn 100 người dân. Sau đó, Giáp chuyển thông tin dữ liệu cá nhân thu thập được cho người nước ngoài qua ứng dụng Telegram, người này trả cho Giáp tổng số tiền gần 80 triệu đồng dưới dạng tiền ảo (Bitcoin, Litecoin…).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn