MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi niềm sau chuyên án triệt phá đường dây bán bé gái 12 tuổi ra nước ngoài làm vợ

An Trịnh LDO | 11/11/2023 18:33

"Phá án mua bán người xong, pháp luật được thực thi nhưng anh em chúng tôi không thể nào vui nổi" - lời tâm sự của Trung tá Nguyễn Đình Tuân - Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng.

Gặp phóng viên trong chiều 11.11, Trung tá Tuân gương mặt đăm chiêu nghĩ về vụ án. Trung tá Tuân kể, ngày 26.10.2023, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả.

Quá trình này, anh em phát hiện cháu N.T.K.O. (SN 2011, trú tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) có dấu hiệu là nạn nhân bị mua bán người, lập tức Ban Chuyên án 1023P được thành lập.

Ban Chuyên án mời chị họ của O. tên Nguyễn Thị Lài (SN 1995, trú tại khu vực chợ Vị Thanh, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) và bà ngoại của O. tên Trần Thị Lợi (SN 1957, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) về trụ sở của đơn vị để xác minh.

Thông tin sơ bộ, đối tượng Lài sang Trung Quốc lấy chồng từ lâu. Vào khoảng tháng 5.2023, Lài về Việt Nam, sau đó, thị môi giới với Trần Thị Lợi để bán cháu O. sang Trung Quốc giá 130.900 nhân dân tệ (khoảng 400 triệu đồng) làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc.

Đối tượng Lài làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: BĐBP tỉnh Cao Bằng.

Sau đó, gia đình cháu O. được nhận 150 triệu đồng, 1 cây vàng trị giá 60 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng Lài hưởng lợi.

Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ Triệu Thành Long (biệt danh Mập - SN 1994, trú tại huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và là Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) - mẹ đẻ cháu O.

"Sau khi lấy lời khai các đối tượng, nhìn lại mẹ và bà của nạn nhân, người bà đã 66 tuổi, trong nhận thức của họ, chỉ xem số tiền, số vàng kia là tài sản nhà chồng đưa để được đem cháu O. về làm vợ.

Từ nhận thức hạn chế đó mà chính bà ngoại, mẹ ruột vô tình đẩy con mình thành nạn nhân của mua bán người. Phá được án thì pháp luật đảm bảo nghiêm minh, nhưng có những nỗi đau, hay xử lý sao cho nhân văn khiến chúng tôi luôn suy nghĩ" - Trung tá Nguyễn Đình Tuân nói.

Hai đối tượng bị tạm giữ trong chuyên án. Ảnh: BĐBP tỉnh Cao Bằng.

Cùng nỗi niềm như Trung tá Tuân, Thiếu tá Dương Văn Giang - Chính trị viên phó - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh chia sẻ, những người tham gia phá án đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, vì sự thiếu hiểu biết và hám lợi trước mắt mà cháu N.T.K.O. trở thành nạn nhân mua bán người của chính những người thân yêu nhất.

Ngày đưa cháu O. đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, lại gặp cháu "Cần Yên" (các cô, chú ở Trung tâm đặt tạm thời) - một nạn nhân mua bán người trong một chuyên án khác do Đồn Biên phòng Cần Yên phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh tại chuyên án CB223p. Khi giải cứu, cháu "Cần Yên" mới chỉ 15 ngày tuổi. Mỗi đứa trẻ bị bán đi là mỗi hoàn cảnh, số phận khác nhau. Lỗi lầm này thuộc về người làm cha, làm mẹ. Dù họ có bao biện bằng lý lẽ nào đi nữa thì sự bất hạnh, tổn thương, nỗi đau chia lìa sẽ không bao giờ lành sẹo trong tâm hồn, trái tim của con trẻ.

Cháu O. hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: BĐBP tỉnh Cao Bằng.

Theo BĐBP Cao Bằng, địa phương được xác định là địa bàn trung gian của tội phạm mua bán người, tính riêng năm 2022, có tới khoảng 85% công dân xuất cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt - Trung được phát hiện tại địa phương này.

Loại tội phạm này thường dụ dỗ các nạn nhân đi làm “việc nhẹ, lương cao, “núp bóng” môi giới hôn nhân, việc làm hay cho nhận con, mang thai hộ để mua bán người. Để tiện hoạt động, chúng thường liên lạc qua mạng xã hội hoặc trà trộn vào các hội nhóm kín trên mạng.

Để đấu tranh, BĐBP tỉnh Cao Bằng cho rằng, quá trình tiếp nhận công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả cần nhanh chóng sàng lọc, phân loại để xác định các dấu hiệu của nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tội phạm mua bán người; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép (tội phạm nguồn của tội phạm mua bán người).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn