MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trang tại hiện trường vụ va chạm giao thông.

Nữ cán bộ tuyên bố “mạng người không quan trọng”: Có dấu hiệu tội chống người thi hành công vụ?

Hạ Nhiên LDO | 06/05/2018 10:01

Liên quan đến vụ nữ cán bộ lái xe tuyên bố “mạng người không quan trọng" sau va chạm giao thông ở Hải Phòng, luật sư cho rằng, nữ cán bộ này có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ.

Sáng 2.5, đã xảy ra một vụ va chạm giao thông giữa bà Dương Thị Thùy Trang – Chánh văn phòng Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng và Hoàng Quang Minh – sinh viên Đại học Hàng hải trên đường Nguyễn Bình (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Vụ va chạm này không chỉ gây xôn xao dư luận bởi phát ngôn “mạng người không quan trọng” của nữ tài xế mà còn ở thái độ không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng của người này.

Theo đó, lãnh đạo Công an phường Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) khẳng định họ là lực lượng đầu tiên xuống hiện trường và đã làm việc trách nhiệm, đúng quy trình, khách quan nhưng bà Trang tỏ thái độ không chấp hành. Nữ tài xế đã cùng mẹ tự ý lên ôtô rời khỏi hiện trường. Công an phường phải đuổi theo đến điểm rẽ vào khu nhà D2 khu tập thể Đổng Quốc Bình cũ, người dân mới chặn được đầu xe Trang lại. Lúc này, công an yêu cầu nữ tài xế đánh xe về trụ sở để xử lý vụ việc.

Khi về tại trụ sở công an phường, nữ tài xế được mời vào làm việc cung cấp thông tin về vụ tai nạn. Tuy nhiên, cuộc làm việc bất thành do bà Trang nói không đảm bảo sức khoẻ để làm việc.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước, tổ chức được thực hiện thông qua hoạt động của nhân viên các cơ quan, tổ chức đó. Người thi hành công vụ là người được các cơ quan Nhà nước, tổ chức giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung. Hành vi chống lại người thi hành công vụ đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước.

“Trong vụ việc này, xét hành vi khách quan của nữ tài xế cho thấy, đã có những lời nói thiếu chuẩn mực với các cán bộ đang thi hành công vụ và có những thủ đoạn để cản trở người thực thi công vụ như không chấp hành yêu cầu, lên xe bỏ đi và đến khi bị truy đuổi mới dừng lại đưa xe về trụ sở. Hành vi của đối tượng nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý vụ việc có dấu hiệu phạm tội chống người thi hành công vụ” – luật sư Thơm cho biết.

Tùy theo đánh giá tính chất mức độ, hậu quả gây ra, đối tượng có thể sẽ phải bị xử phạt hành chính theo điểm h, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013 hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 5 Nghị định 167/2013. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn