MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp được dẫn giải đến tòa

HỮU HUY - ANH TÚ LDO | 15/03/2021 09:13

Sáng 15.3, Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương - bị Toà án nhân dân (TAND) TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

This browser does not support the video element.

Các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa sáng 15.3

Theo đó, liên quan đến sai phạm hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (quận 3) lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (TPHCM), gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỉ đồng, Dương Thị Bạch Diệp bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM là Đào Thị Lan Hương đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.

Xe chuyên dụng đưa các bị cáo đến phiên tòa sáng 15.3. Ảnh: Anh Tú

Khoảng 7h30 sáng 15.3, xe chuyên dụng đã đưa các bị cáo đến Tòa án nhân nhân (TAND) TPHCM.

Hội đồng xát xử (HĐXX) gồm thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự - làm chủ tọa, thẩm phán Đặng Hồng Sơn và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TPHCM tham gia phiên tòa là bà Trịnh Thị Lan Anh, bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền.

Trong phiên tòa lần này có tổng cộng 18 luật sư tham gia bào chữa, trong đó 6 luật sư bào chữa cho bà Diệp. Ông Tài có 2 luật sư gồm luật sư Trương Trọng Nghĩa và Ngô Minh Hưng (Đoàn luật sư TPHCM).

Bị cáo Nguyễn Thành Tài - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM - được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Anh Tú

Vụ án dự kiến kéo dài đến ngày 19.3. Trước đó, TAND TPHCM từng 2 lần hoãn xét xử vì một số lý do khách quan: Một số bị cáo trong vụ án hiện hầu tòa ở một vụ án khác, luật sư tham gia bào chữa đang bận bào chữa tại các vụ án khác…

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vào năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ có trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM xuống cấp. Để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở, đơn vị này đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương do bà Dương Thị Bạch Diệp là đại diện pháp luật.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Anh Tú

Sau đó, Dương Thị Bạch Diệp đã đề nghị xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Đổi lại, mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng của trung tâm này sẽ được nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương để hợp khối với số 179-181-183 Hai Bà Trưng, phục vụ nhu cầu xây dựng khách sạn 5 sao. Đề nghị này được phía Trung tâm Ca nhạc nhẹ chấp thuận.

Đến tháng 2.2008, bà Dương Thị Bạch Diệp làm đơn gửi UBND TPHCM xin hoán đổi 2 khu đất trên. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được lãnh đạo thành phố chấp nhận.

Trong thời gian chờ thỏa thuận hoán đổi, bà Diệp đã làm thủ tục thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Việc thế chấp này đã không được thông báo cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 15.3. Ảnh: Anh Tú

Tháng 3.2010, bà Dương Thị Bạch Diệp đến gặp Nguyễn Thành Tài (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM) để trao đổi và đề nghị UBND TPHCM chấp thuận việc hoán đổi nêu trên.

Ngày 5.3.2010, Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.

Sau khi được phép hoán đổi tài sản nhà đất, Dương Thị Bạch Diệp được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, nữ đại gia này không trả nợ cũ mà tiếp tục mang quyền sở hữu tài sản tại khu đất 185 Hai Bà Trưng đến thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không còn khả năng trả nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn