MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (bên phải) tại một phiên tòa.

Nữ luật sư chỉ định và câu chuyện trắc ẩn phía sau những phiên toà

Việt Dũng LDO | 23/01/2020 06:52
Tham gia hàng trăm vụ án, bào chữa cho những bị cáo có mức hình phạt cao, hay bảo vệ bị hại trong các vụ xâm hại tình dục, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh tâm niệm dù chỉ định hay được mời thì người luật sư cần có “cái tâm”.

Còn nhớ hồi trung tuần tháng 9.2019, luật sư Thịnh tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho bé gái 10 tuổi, bị xâm hại tình dục ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), với gương mặt xúc động, song quyết liệt lúc trình bày, đấu tranh với loại tội phạm này.

Chị tham gia bảo vệ miễn phí cho gia đình bé Q. – nạn nhân trong vụ án, bị gã bán thịt lợn xâm hại trên đường đi học về. Để đưa vụ án ra trước pháp luật, luật sư đã cùng với đồng nghiệp của mình suốt 7 tháng ròng “đi tìm công lý” cho nạn nhân. Kết quả của những tháng “chiến đấu”, Trình đã phải trả án bằng mức phạt tù chung thân cho tội danh Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Chữ tâm trong nghề

Theo dõi các phiên tranh tụng của luật sư, dù cho bị cáo hay bị hại, đều thấy chị đều có chung một nỗi đau đáu, mong tìm ra được công bằng cho nạn nhân hay giảm nhẹ tối thiểu mức phạt với bị cáo.

Luật sư cho hay, cơ duyên đưa chị đến với nghề luật sư khi được thấy những người luật sư tranh tụng trên phim ảnh. Chị thấy khả năng họ hùng biện, tranh luận quyết liệt, đầy tri thức và nhân văn để bảo vệ thân chủ, bảo vệ pháp luật. Thứ mà luật sư hướng tới đó là hai từ “Công Lý”.

“Điều quan trọng nhất đối với một người luật sư, theo tôi, ngoài có chuyên môn, kỹ năng tốt thì phải là người có Tâm, dù tham gia chỉ định hay được mời”, luật sư Thịnh chia sẻ.

Luật sư Thịnh cho rằng, án chỉ định thường bị can, bị cáo đối mặt với khung hình phạt cao, có thể tới mức tử hình. Vì thế, về mặt tâm lý, tình cảm con người, ít nhiều luật sư tự tạo áp lực cho mình phải làm sao để giúp họ còn cơ hội, tiếp tục được sống.

Với ý thức đó, luật sư luôn xác định, bản thân là chỗ dựa về mặt tinh thần lớn nhất của bị can, bị cáo. Chị luôn tâm niệm, nếu không dùng cái “tâm” của mình để làm việc sẽ không thể tạo được niềm tin nơi bị can, bị cáo. Như vậy sẽ khó có thể nắm bắt vụ việc một cách khách quan, không khiến họ hợp tác làm việc, và cũng không thể cảm hóa, giúp họ nhận thức pháp luật…

“Nếu họ nhận thấy luật sư là một người có tâm, hết lòng giúp đỡ, họ sẽ tin tưởng, nghe sự phân tích, giải thích pháp luật, nhận thức được hành vi ... thì sẽ hợp tác làm việc”, luật sư Thịnh cho hay.

Lắng nghe và chia sẻ 

Chị bảo, bất cứ bị can, bị cáo nào phạm tội với Nhà nước, pháp luật, song phía sau họ luôn có một lòng trắc ẩn. Luật sư còn nhớ, khi tham gia bào chữa chỉ định cho bị cáo phiên tòa mua bán trái phép chất ma túy 3-4 năm trước, ngoài Hội đồng xét xử, bị cáo và chị thì không có một ai.

Bị cáo liên tục ngoái ra phía sau, mà sau này luật sư biết chị ta “ngóng mẹ”. Khi phiên tòa đến phần hỏi thì một cụ bà xuất hiện, tay xách chiếc bị cói cũ nát, lặng lẽ ngồi hàng ghế phía dưới. Lúc đó, bị cáo như cảm nhận được sự hiện diện của người thân nên đã quay lại và òa khóc, rồi quỳ xuống xin cụ tha thứ...

Giờ nghị án, luật sư tiếp xúc mới biết bà là mẹ của bị cáo. Hiện bà cụ phải một mình nuôi 3 đứa con của bị cáo. Điều đau lòng nhất trong 3 người cháu, có một đứa bị bệnh tâm thần, cứ thấy bà ngoại là đánh, cấu xé... Bà cụ già nua vì cháu nên chịu đựng, chống chọi để chăm sóc.

Nghe mẹ chia sẻ lúc gặp gỡ, bị cáo khóc ròng, khiến luật sư cũng rớm nước mắt.

Đến giờ, sau nhiều năm theo nghề, luật sư không nhớ đã làm việc với bao nhiêu bị can, bị cáo, hay những buổi hỏi cung. Song, sự chia sẻ, đồng cảm, nhìn nhận khách quan vấn đề đã giúp chị nhận được ở bị can, bị cáo sự tin tưởng, niềm vui.

“Họ vui vì những dồn nén, những chia sẻ, băn khoăn được giãi bày”, luật sư nói.

Chị kể, công việc của luật sư chỉ định thù lao thấp, có lúc còn “âm tiền” vì những chuyến đi nhiều ngày. Thậm chí, gia đình, con cái cũng đôi khi chị lơ là. Song, sau những vụ án, chị nhận được tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của bị cáo và gia đình họ.

“Có những người thi hành án về, người đầu tiên họ gọi là tôi, chỉ để nói một lời cảm ơn và hứa sẽ làm lại cuộc đời”, luật sư tâm sự. Với luật sư Đặng Thị Vân Thịnh đó là món quà vô giá của nghề dành cho bản thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn