MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Mười (đứng, ngoài cùng bên phải) cùng hàng chục bị hại ngồi phía sau tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7.11.

Nuôi mộng đổi đời ở Hà Lan, Hàn Quốc, người lao động bị lừa hàng trăm triệu

Việt Dũng LDO | 08/11/2019 07:59

Trong số 137 người, có hàng chục người ở Hà Tĩnh qua đầu mối nộp từ 10.000-13.000 USD cho Phùng Thị Mười (47 tuổi, ở Nam Định) để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan.

Phiên tòa ngày 7.11 xét xử Phùng Thị Mười và đồng phạm lừa đảo trở nên hỗn loạn khi chủ tọa thông báo hoãn xử vì muốn đảm bảo quyền lợi cho nhiều bị hại vắng mặt. Trong số 137 bị hại, có nhiều người không đến dự được nên Hội đồng xét xử đã hoãn tiến hành phiên tòa theo dự kiến.

Hàng chục người quê miền Trung cho hay họ từ xa ra Hà Nội để tham dự phiên tòa xét xử Phùng Thị Mười và đồng phạm lừa đảo. Đường sá xa xôi, họ phải đi hàng trăm km song TAND Hà Nội đã hoãn xử. Những gương mặt thất thần rời tòa trong nỗi buồn bị lừa đảo mất tiền, khoản họ tiết kiệm, vay mượn để người thân được sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan lao động.

Những người muốn đi xuất khẩu lao động đã tin tưởng rằng Mười có khả năng đưa họ sang các nước trên chỉ trong vòng 3-6 tháng, với mức lương 1.300-1.500USD/tháng (tương đương 30-35 triệu đồng).

Họ tin vì Mười khoe làm phó giám đốc một công ty chuyên đưa người xuất khẩu lao động, và lừa đảo là có quen nhiều lãnh đạo trong Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mười còn hứa "chắc nịch" đưa được người sang các nước trên làm việc trong thời hạn 5 năm, với chi phí chỉ 10.000-13.000 USD. Mức giá này hợp lý cho các vị trí công việc như bán hàng siêu thị, đầu bếp, cơ khí thuyền viên đánh cá...

Tính toán rõ ràng, chỉ trong vòng 5 năm thu nhập được khoảng 75.000-90.000 USD nên nhiều người đã huy động tiền tiết kiệm, vay mượn để lo nộp cho Mười và đồng phạm.

Họ càng tin tưởng hơn khi người giới thiệu là bà Trần Thị Sen - một chỗ quen biết. Song thực tế, bà Sen vốn biết Mười không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động sang các nước trên. Vì "hoa hồng" 1.000 USD/trường hợp giới thiệu được, nên bà này đã đứng ra tìm người cho Mười.

Theo cáo buộc, khoảng tháng 5.2016, bà Sen đã dẫn Mười đến một số tỉnh miền Trung tìm nguồn lao động là người quen của mình. 19 người khi nghe bà Sen giới thiệu Mười có chức năng, khả năng đi xuất khẩu lao động đã tin tưởng vào các gói, nộp hơn 4,4 tỉ đồng.

Sau đó, những người lao động này được nhóm Mười đưa đi khám sức khỏe, học tiếng Anh, tiếng Hàn... như thật.

Với mánh lừa đảo khép kín của Mười và đồng phạm, 19 người mong muốn được "đổi đời" đã bị chiếm đoạt số tiền đã nộp.

Trong số các nạn nhân của Mười, còn có 13 người quê Hà Tĩnh, cũng nộp mức tiền 10.000-13.000 USD thông qua trung gian để sang Hàn Quốc lao động.

Cũng giống 19 bị hại trên, 13 người này sau khi nộp tiền, khám sức khỏe, học tiếng đã "đợi dài cổ" không được đưa đi xuất khẩu lao động như Mười hứa.

Cơ quan công tố cáo buộc, từ năm 2015-2018, Mười và đồng phạm đã lừa đảo 137 người ở Hà Tĩnh, Nam Định..., chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng với chiêu xuất khẩu lao động.

Việc đòi được tiền đã nộp với bị hại sẽ là chặng đường dài, bởi hơn 30 tỉ đồng Mười chiếm đoạt, cơ quan chức năng không thu hồi được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn