MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc xe sử dụng đăng kiểm giả để lưu thông trên đường. Ảnh: CSGT Phú Thọ.

Ô tô đầu kéo dán đăng kiểm giả lưu thông trên đường: Chủ xe, tài xế đều có thể bị phạt

Trọng Lộc LDO | 27/03/2023 19:23
Việc phương tiện dán đăng kiểm giả tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gây tai nạn hiện hữu.

Như Báo Lao Động đã đưa tin, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện xe ôtô đầu kéo biển số 22H-002.xx sử dụng Giấy chứng nhận đăng kiểm giả.

Chiếc xe này do anh Hà Văn U (sinh năm 1987, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) điều khiển, chủ xe là Trần Quốc T (sinh năm 1985, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang).

Quá trình làm việc, chủ xe đã thừa nhận do phương tiện hết hạn đăng kiểm và khó đăng kiểm nên chủ xe đã mua bộ giấy tờ giả nêu trên để tiếp tục sử dụng hoạt động kinh doanh vận tải.

Sau khi lập biên bản, Phòng CSGT Phú Thọ đã chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra, giải quyết theo quy định.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), đây là 1 trong gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường bị lực lượng chức năng phát hiện. Đến nay, cơ quan này đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.

Chiếc xe sử dụng đăng kiểm giả để lưu thông trên đường. Ảnh: CSGT Phú Thọ.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông.

Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn, khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.

Về mức phạt, luật sư Nguyễn Văn Đoàn cho biết tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 100 quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm.

Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ô tô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (khoản 8 Điều 30).

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Nếu như hành vi phạm tội có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, thì mức xử phạt sẽ là cao hơn cả về mức phạt tiền lẫn thời gian phạt tù. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm tù.

"Việc doanh nghiệp vận tải, tài xế sử dụng phương tiện quá hạn đăng kiểm, cố tình dùng tem giả để lưu thông cần phải xử lý nghiêm để ngăn chặn những vụ tai nạn rất nghiêm trọng có thể xảy ra", vị luật sư nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn