MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông chủ ngoại quốc về nước, ngân hàng thất thoát hàng trăm tỉ

Việt Dũng LDO | 31/10/2022 14:24
Giải ngân cho một công ty nước ngoài vay gần 53 triệu USD và hàng chục tỉ để thực hiện dự án, song ông chủ doanh nghiệp này "bỗng dưng" về nước khiến các ngân hàng thất thoát hàng trăm tỉ đồng.

Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng, về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (viết tắt Công ty Kenmark) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Công ty TNHH Cheermaster (trụ sở tại Samoa) thành lập tại tỉnh Hải Dương.

Công ty Kenmark thực hiện Dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Hoà - Kenmark tỉnh Hải Dương, trên khu đất 46,4ha, tổng vốn đầu tư 1.594 tỉ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Hwang Jonathan Chen Yu (quốc tịch Mỹ) - Tổng Giám đốc; ông Hwang Ding Kuo (Đài Loan, Trung Quốc) - Chủ tịch.

Để có tiền thực hiện dự án, ngày 4.2.2008, Công ty Kenmark do ông Hwang Jonathan Chen Yu đã ký hợp đồng tín dụng vay hơn 67,6 triệu USD của các chi nhánh 3 ngân hàng.

Từ tháng 2.2008 đến tháng 5.2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark tổng cộng hơn 52,8 triệu USD, hơn 57 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 26.6.2010, công ty trên có thông báo về việc tạm dừng hoạt động, người đại diện theo pháp luật đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Các ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty và tổ chức bán đấu giá (tháng 8.2018) thu được gần 757 tỉ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).

Đến thời điểm khởi tố vụ án, dư nợ gốc của Công ty Kenmark là hơn 360 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.

Theo cơ quan công tố, trong hồ sơ thẩm định cho vay, hồ sơ pháp lý dự án không đầy đủ tài liệu đảm bảo yêu cầu.

Công ty Kenmark vốn 100% nước ngoài phụ thuộc chủ sở hữu là Công ty Cheermaster, trong khi tài liệu do Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước cung cấp thể hiện: Công ty Cheermaster chỉ số rủi ro cao; không tồn tại văn phòng hoạt động; giấy phép thành lập của công ty được sử dụng với mục đích miễn trừ thuế.

Mặt khác, Công ty Kenmark lần đầu thành lập ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam...

Mặc dù hồ sơ của Công ty Kenmark không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng; dự án đầu tư, phương án sản xuất, dịch vụ không khả thi... song tổ thẩm định Dự án Việt Hoà - Kenmark vẫn báo cáo kết quả rằng, Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư hiệu quả... và đề xuất cho công ty này vay tối đa hơn 67,6 triệu USD.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ghi nhận một số cá nhân đại diện cho các ngân hàng đã nộp một phần số dư nợ của Công ty Kenmark. Do đó, cơ quan chức năng đã không xử lý trách nhiệm hình sự 4 cá nhân "là phù hợp".

Đến nay, còn hơn 181 tỉ đồng dư nợ của Công ty Kenmark bị thất thoát không thu hồi được. Do đó, Viện KSND Tối cao đã truy tố với 7 người liên quan về tội danh trên.

Trong 7 bị can, có cựu Giám đốc, cựu Phó Giám đốc, cựu Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Thành Đô của BIDV là các ông bà Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thuỷ, Phạm Anh Tài... Ông Hùng và bà Thuỷ cùng 1 bị can khác đang bị tạm giam, còn 4 người được tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn