MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trần Phương Bình (ngồi hàng đầu thứ 2 bên phải ). Ảnh: Anh Tú.

Ông Trần Phương Bình bị đề nghị thêm án chung thân

Anh Tú LDO | 02/07/2020 11:10

Sáng ngày 2.7, TAND TPHCM bắt đầu phần tranh luận vụ án liên quan đến bị cáo Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 8.800 tỉ đồng (còn gọi là đại án DAB giai đoạn 2). Bị cáo Trần Phương Bình bị đề nghị án chung thân.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) xác định bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank), đóng vai trò chủ mưu gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 7.000 tỷ đồng. Các bị cáo khác là cấp dưới của bị cáo Bình, làm theo mệnh lệnh của bị cáo Bình nên gây ra các sai phạm, thiệt hại. Trong đó, có một số bị cáo biết là làm sai nhưng vẫn làm vì nể cấp trên là bị cáo Bình.

Theo đại diện VKS, hành vi của bị cáo Trần Phương Bình và các bị cáo khác là cực kỳ nghiêm trọng, cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe. Cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

VKSND đề nghị mức án đối với bị cáo Trần Phương Bình là  chung thân và bồi thường gần 3.100 tỷ đồng cho các đơn vị liên quan, đề nghị phong tỏa nhiều tài sản của bị cáo.

Đối với bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C), với vai trò thông đồng với bị cáo Bình trong việc vay sai quy định, dẫn đến gây thiệt hại cho ngân hàng - vì thế VKS cũng đề nghị từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Các bị cáo còn lại được xác định là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Bình cũng bị đề nghị từ 2 - 8 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2007, bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP M&C – gọi tắt M&C) có quan hệ tín dụng với DAB. Năm 2011, Phùng Ngọc Khánh trao đổi với Trần Phương Bình về việc M&C cần vốn 500 tỉ đồng để đặt cọc hợp tác đầu tư vào dự Sài Gòn - Ba Son 38 tầng (dự án thuộc Công ty TNHH MTV Ba Son - gọi tắt Công ty Ba Son, làm chủ đầu tư).

Tại tòa, bị cáo Bình khai dù biết M&C đang có dư nợ lớn tại DAB nhưng cho rằng dự án đầu tư vào Sài Gòn - Ba Son sẽ đem lại nguồn lợi về kinh tế, có thể giúp M&C trả được nợ cho DAB, đồng thời Trần Phương Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DAB.

Vì vậy, Trần Phương Bình bàn với Phùng Ngọc Khánh nhờ công ty khác đứng tên thực hiện hợp đồng để hợp tác đầu tư với M&C thực hiện dự án Sài Gòn - Ba Son và sử dụng công ty này vay 250 tỉ đồng tại DAB, chuyển cho M&C. Khi nhận được 250 tỉ đồng, M&C đã chuyển cho Công ty Ba Son.

Đến hạn, M&C không trả được tiền, Bình lại chỉ đạo nhân viên làm thủ tục vay khống cho M&C vay 270 tỉ đồng để đáo hạn nợ. Tài sản đảm bảo khoản vay là quyền khai thác kinh doanh 15.300 m2 tháp căn hộ 38 tầng thuộc dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình, Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp, dẫn đến thiệt hại DAB trong khoản vay này là 270 tỉ đồng.

Ngoài ra, Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống, thế chấp trái phiếu không có giá trị. Tổng thiệt hại DAB gánh chịu từ việc làm sai trái do 2 bị cáo trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là hơn 3.400 tỉ đồng.

Giai đoạn 1 của vụ án, ông Trần Phương Bình đã bị TAND TPHồ Chí Minh và TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt tù chung thân về các tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DAB...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn