MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hưng “kính” tại toà.

“Ông trùm” Hưng “kính” cúi đầu xin lỗi tiểu thương chợ Long Biên

Cường Ngô - Tô Thế LDO | 25/07/2019 18:52
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị mức án 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù với bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") trong vụ bảo kê chợ Long Biên.

Ngày 25.7, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) và 4 đàn em gồm Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương ra xét xử trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương chợ Long Biên.

Trình bày bản luận tội tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội nêu hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây bất bình dư luận, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với các hành vi bị cáo gây ra. Bản cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn đúng đắn.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị mức án 4 năm 6 tháng đến 5 năm đối với Nguyễn Kim Hưng. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án: Nguyễn Hữu Tiến 3 năm 6 tháng đến 4 năm; Lê Thanh Hải 4 năm đến 4 năm 6 tháng; Nguyễn Mạnh Long từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng; Dương Quốc Vương 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù.

VKS xác định, từ ngày 14.3.2018 đến ngày 1.9.2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Hải cùng Long, Vương dùng các thủ đoạn chèn ép, khủng bố tinh thần để cưỡng đoạt của chị Nghiêm Thúy Nga, anh Hoàng Anh Hà tổng số tiền hơn 28 triệu đồng.

Trong số đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.

Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.

Đứng trước tòa, Hưng “kính” nghẹn ngào nói lời xin lỗi tới các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên vì trong thời gian qua “đã có những cái chưa làm đúng theo quy định của Ban Quản lý chợ giao, để bê trễ công việc và cách ứng xử thiếu văn minh, chưa đúng mực, đặc biệt với hộ chị Nga, anh Hà”.

Tại phần tranh tụng, luật sư Trần Đình Triển bất ngờ đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại và yêu cầu phải xác định rõ cả trách nhiệm của Ban Quản lý chợ Long Biên.

Luật sư Triển cho rằng có dấu hiệu đồng phạm của những người đứng đầu Ban Quản lý chợ Long Biên, khi sử dụng các đối tượng có tiền án tiền sự làm việc trong chợ và để cho việc bảo kê diễn ra kéo dài trong thời gian dài.

"Tôi không yêu cầu bồi thường"

Tại phiên xét xử đầu giờ chiều 25.7, khi được hỏi, vợ chồng bị hại Nghiêm Thúy Nga đã đề nghị HĐXX xét xử đúng người, đúng tội đối với các bị cáo.

Chủ tọa hỏi về việc đề nghị các bị cáo bồi thường đối với những tổn thất gây ra, chị Nga bật khóc lớn. "Bồi thường cái gì ạ? Hai lần tôi tự tử thì bồi thường cái gì?", chị Nga nói trong nước mắt

Chủ tọa, sau đó đề nghị chị Nga bình tĩnh bởi đối với hành vi của các bị cáo đã phải đứng trước vành móng ngựa rồi.

"Các đối tượng ra khỏi vòng pháp luật, ai sẽ bảo vệ cho tôi", chị Nga tiếp tục khóc nói.

Sau khi nghe chủ tọa giải thích thêm về việc có đề nghị bồi thường không, chị Nga đã trả lời không yêu cầu bồi thường.

"Tôi không yêu cầu bồi thường, bởi vì những thiệt hại của chúng tôi do các bị cáo gây ra đã qua rồi. Chúng tôi chỉ đề nghị xử đúng người, đúng tội, để tôi còn có tinh thần, làm ăn buôn bán.

Khi các bị cáo bị bắt rồi nhưng không ngày nào tôi sống được thoải mái, luôn có áp lực gì đấy vô hình. Ngay hôm nay tòa  xử nhưng tối qua ra chỗ kinh doanh tôi cũng bị gây áp lực rất lớn", chị Nga chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn