MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trương Quý Dương (người đeo thẻ).

Ông Trương Quý Dương: Xin dùng từ "đau" cho sự cố chạy thận Hòa Bình

Cường Ngô LDO | 14/01/2019 17:03

Chiều nay (14.1), HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo. Bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được HĐXX xét hỏi đầu tiên.

"Tại sao 2 tiếng sau khi xảy ra sự cố chạy thận, bị cáo mới xuống khoa"?

Bị cáo Trương Quý Dương bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, ông Dương là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, với vai trò là người đứng đầu bệnh viện, đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Liên quan đến vụ án này, trước bục khai báo, ông Trương Quý Dương cho hay, thời gian lọc máu cho các bệnh nhân bắt đầu từ lúc 7h30 sáng 29.5.2017. Đến khoảng 9h30, bị cáo biết thông tin sự cố chạy thận ở Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo nghe tin từ Hoàng Đình Khiếu – Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, nhưng phải đến 11h30, bị cáo mới trực tiếp xuống khoa được.

“Thời điểm đó, anh Khiếu nói rằng có một số bệnh nhân bị dị ứng trong quá trình lọc máu. Tuy nhiên, lúc này chưa biết tình hình cụ thể ra sao.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, bị cáo không thể nắm hết thông tin. Khi xuống khoa, bị cáo mới biết được có một số bệnh nhân đã tử vong. Ngay lúc này, bị cáo ngồi với bác sĩ, xem lại toàn bộ hồ sơ và quy trình lọc máu”, bị cáo Trương Quý Dương khai tại tòa.

Trước câu hỏi của bị cáo Dương, Chủ tọa phiên tòa hỏi, tại sao bị cáo biết tin từ lúc 9h30 nhưng phải 2 tiếng sau mới trực tiếp xuống khoa?

Bị cáo Dương giải thích, về mặt lý thuyết là vậy, nhưng bối cảnh khách quan lại khác. Theo đó, lĩnh vực chuyên môn nào xảy ra vấn đề thì bác sĩ trực tiếp điều trị hoặc bác sĩ của khoa đó sẽ liên hệ với chuyên gia, các giáo sư đầu ngành để xin ý kiến.

Bị cáo là giám đốc bệnh viện nhưng chuyên môn của bị cáo là chuyên khoa ngoại. Ngoài ra, thời điểm đó, cùng một lúc bệnh viện có rất nhiều việc, điện thoại của bị cáo hoạt động hết công suất.

“Đối với cá nhân bị cáo, thực tế ở thời điểm đó, với chức trách và nhiệm vụ của mình, bị cáo khẳng định đã cố gắng làm tất cả những điều có thể làm”, bị cáo Dương phân trần.

Bị cáo Trương Quý Dương tại tòa.

Nhớ lại buổi sáng xảy ra sự cố, bị cáo Dương khai tiếp, khi xuống Khoa Hồi sức đã được bác sĩ Hoàng Công Tình báo cáo rằng 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó một số người đã tử vong.

Ngay lập tức, bị cáo Dương đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Bệnh viện TP.Hòa Bình để đưa những người còn sống sang thải độc.

“May mắn 10 bệnh nhân trong đó đã được cứu sống”, bị cáo Trương Quý Dương khai và trình bày, nếu gói gọn về sự cố y khoa này, sẽ là một từ: "Đau".

“Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Đó là nỗi đau của bệnh nhân, nỗi đau của cán bộ y tế…”, ông Dương nói.

Bác sĩ nào của Đơn nguyên thận nhân tạo đều được đi học

Theo nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bản thân bị cáo là người rất tạo điều kiện cho các bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình lọc máu ở các nơi khác. Khi thành lập Đơn nguyên thận cơ bản có đủ các điều kiện về pháp lý.

“Đơn nguyên thận nhân tạo không quy định số lượng cố định nhân sự bởi còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan của bệnh viện và năng lực cán bộ. Song, đơn nguyên này có bác sĩ, điều dưỡng, có hỗ trợ của kỹ sư trong và ngoài viện, có kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.

Theo bị cáo Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ký nhiều hợp đồng với Bệnh viện Bạch Mai (Bệnh viện Bạch Mai về việc đào tạo cán bộ y tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật lọc máu, chạy thận nhân tạo.

Trước khi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, đơn nguyên thận nhân tạo có 26 người được cử đi học ở Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 4 bác sĩ: Bác sĩ Tiến, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình và Hoàng Công Lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn