MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai thanh niên đánh “thanh niên Tây” chảy máu mũi hôm 23.6 đã bị tạm giữ ngày 27.6 vừa qua. Ảnh: P.V

Phải xử lý đúng người, đúng luật, đúng mức độ

TẠ BÍCH LOAN THỰC HIỆN LDO | 03/07/2017 06:30
Vì sao một người dân bình thường, không phải xã hội đen lại xuống tay một cách tàn nhẫn với một chị lao công lương thiện và đơn lẻ? Rồi một đối tượng chưa có tiền án lao xe ôtô vào nhóm phóng viên? 

Điều gì khiến những thanh niên tưởng chừng lịch lãm lại không thể đối thoại bằng ngôn từ mà lao vào nhau, giải quyết bằng nắm đấm? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý tội phạm, PGS-TS-Trung tá Nguyễn Minh Hiển - Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát nhân dân) - về đề tài này.

Trung tuần tháng 6, một chị lao công không nhẫn nhịn được trước cảnh xả rác hè phố, đã lên tiếng góp ý với người xả rác. Chị bị đánh ngất tại chỗ và được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Nhàn (hiện vụ việc này đã được Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố vụ án, khởi tố bị can).

Cùng trong tuần, một vụ hành hung khác xảy ra với một nữ phóng viên VTV khi điều tra việc lấn chiếm đất công ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội. May mắn nữ phóng viên không bị sao, nhưng máy quay bị ôtô đâm hỏng.

Cũng trong thời gian này, cộng đồng mạng cũng chia sẻ nhiều video clip ghi lại cảnh các bác tài lao vào nhau đấm đá chỉ vì một va chạm giao thông nhỏ. Thậm chí hình ảnh hai thanh nhiên khỏe mạnh lao vào đánh một phụ nữ và khi bạn trai chị này là một người nước ngoài vào can ngăn cũng bị đánh chảy máu mồm. Chưa hết, một ca sĩ có tên Châu Việt Cường cũng thừa nhận cách đây vài hôm mình có đánh người đi xe máy khi va chạm giao thông tại đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), hình ảnh này đã bị người dân quay clip và đưa lên mạng xã hội... Rồi một thanh niên qua va chạm giao thông đã thẳng tay đập mũ vào một thiếu nữ...

Những câu chuyện diễn ra trong một thời gian ngắn khiến cộng đồng phẫn nộ.

PGS-TS Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát nhân dân) - Trung tá Nguyễn Minh Hiển.


Thưa PGS Nguyễn Minh Hiển, dưới góc độ tâm lý học, ông có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên là gì?

- Đây là hai vụ khác nhau nhưng có điểm chung là đều tấn công vào con người và gây ra những thiệt hại. Nếu như ở vụ việc tấn công nhân viên của Đài Truyền hình VN có thể xem xét dưới góc độ chống người thi hành công vụ, thì vụ tấn công người lao công có thể xem xét hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Nhìn dưới góc độ tâm lý, hành vi vi phạm pháp luật ở đây bộc lộ hai yếu tố căn bản. Một: Do tính cách của người thực hiện hành vi. Hai: Do tác động tiêu cực của môi trường xã hội. Những yếu tố này đã làm bùng nổ những hành vi có tính chất côn đồ. Đó là sự phá vỡ ranh giới giữa thiện lương và tội ác.

Những vụ việc này cảnh báo cho chúng ta điều gì, thưa PGS?

- Hiện nay trong một thời gian ngắn thôi, chúng ta thấy có rất nhiều những vụ việc có tính chất côn đồ như vậy. Đó là sự báo động về phương diện quản lý xã hội. Tôi nghĩ, sau những vụ việc như vậy, các cơ quan thừa hành luật pháp cần xử lý một cách tức khắc, nghiêm minh, không nhân nhượng để cho dư luận và cộng đồng không phải mất thời gian chờ đợi. Như vậy sẽ hạn chế được sự gia tăng của những hành vi như vậy.

Ông có thể giải thích, vì sao những biện pháp xử lý nghiêm minh sẽ hạn chế được sự gia tăng của những hành vi như vậy?

- Theo thuyết “Cửa sổ vỡ” của hai nhà tâm lý tội phạm học James Wilson và George Kelling đã nghiên cứu thì tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự, phi tổ chức. Đối với tất cả những hành vi vi phạm pháp luật mà không được xử lý nghiêm minh thì nó sẽ tạo ra tính nhờn, tính coi thường pháp luật của người dân trong xã hội.

Nếu như hậu quả đã xảy ra rồi thì phải xử lý đối với những người đã gây ra hành vi vi phạm pháp luật và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây nên đối với cộng đồng. Để trừng trị những người có hành vi vi phạm, đồng thời nó cũng tạo ra sự răn đe đối với những người khác để người ta nhận ra rằng, những hành vi đó là hành vi mà xã hội lên án và pháp luật sẽ trừng trị những người có hành vi như vậy.

Theo ông, những sự việc tấn công nhà báo hoặc những người thi hành công vụ trước đây đã được xử lý đủ nghiêm minh hay chưa?

- Dưới góc độ nghiên cứu của các nhà tội phạm học và tâm lý học thì những sự việc đã xảy ra, các cơ quan chức năng đều xử lý tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, với câu hỏi vì sao cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc rồi nhưng những vụ việc tương tự vẫn tiếp tục xảy ra, thì chúng ta phải thừa nhận có những sự việc khi nó xảy ra đã chưa được xử lý theo đúng tính chất, mức độ. Vì vậy một bộ phận trong số họ đã coi thường pháp luật.

Ví dụ như những hành vi tấn công nhà báo có thể chỉ xử lý hành chính, nộp phạt hoặc có biện pháp, hình thức xử lý nhưng chưa đủ mạnh thì sẽ có những vụ tấn công tiếp theo. Nhìn ở góc độ pháp luật thì cho đến nay, các quy định của Luật Hình sự cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính đã rất là rõ ràng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải xử lý đúng người, đúng luật, đúng mức độ đối với mọi hành vi mà người vi phạm gây ra. Đừng nên xem nhẹ những “chuyện nhỏ”. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn.

- Xin cảm ơn ông!

Lý thuyết tâm lý “Những cửa sổ vỡ” của James Q.Willson và George Kelling: Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng, vỡ vụn mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng, truyền tải đi dấu hiệu về những gì đang diễn ra.



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn