MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạt 30 triệu đồng cơ sở làm trắng măng chua bằng thuốc tẩy Javel

HOÀNG HƯNG LDO | 23/11/2017 09:57
Ngày 23.11, thông tin từ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản Bình Thuận (Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận) cho hay: Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính vụ làm trắng măng chua bằng nước tẩy Javel mà báo Lao Động đã phản ánh.

Cơ quan chức năng đã xử phạt cơ sở chế biến măng chua của bà Trương Thị Hiền (phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), với số tiền 30 triệu đồng. Ngày 22.11, bà Hiền đã nộp phạt.

Theo ông Nguyễn Hữu Sử - Phó phòng Thanh tra, thuộc Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản Bình Thuận, toàn bộ số măng chua là tang vật đã bị tịch thu và tiêu huỷ. Ngoài việc bị xử phạt hành chính bằng tiền nêu trên, cơ sở của bà Hiền bị đình chỉ sản xuất – kinh doanh 2 tháng.

Khoảng 3 giờ sáng, ngày 17.11, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra, bắt quả tang cơ sở sản xuất- kinh doanh măng chua do bà Trương Thị Hiền làm chủ đang sử dụng nước tẩy Javel, để ngâm măng chua.

Những chai nước tẩy Javel bị phát hiện, nằm ngổn ngang ở hiện trường. Ảnh: H.A

Theo bà Hiền, măng được mua từ huyện Tánh Linh về cơ sở. Sau đó, măng được ngâm với nước tẩy Javel (chuyên dùng để tẩy trắng quần áo) để làm trắng, bắt mắt hơn và bán cho khách hàng.

Nhận xét về việc xử phạt này, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP HCM) – cho rằng: “Hành vi dùng nước tẩy hoá học, rất độc hại cho con người để sử dụng trong thực phẩm là hết sức nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ở đây, không phải định lượng số măng chua tang vật bắt quả tang chưa đủ xử lý nặng, mà cần phải thấy rằng, cơ sở này vi phạm rất nhiều lần, số lượng măng chua nhiễm nước tẩy Javel tung ra thị trường, liệu có ai thống kê xuể… Vì vậy, xử phạt có 30 triệu đồng và đình chỉ 2 tháng là quá nhẹ. Cần tăng mức phạt cao hơn và đóng cửa vĩnh viễn cơ sở măng chua trên, mới có tác dụng răn đe”.

Trong lúc đó, theo bác sĩ Trương Phi Hùng – công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM): “Để phân biệt măng chua được tẩy bằng hoá chất với măng chua không tẩy, là rất khó cho người tiêu dùng khi chỉ nhận biết bằng mắt thường. Muốn biết có hoá chất hay không, cơ quan chuyên môn phải dùng chất thử.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tạo cho mình thói quen. Ví dụ: Măng tự nhiên sau khi muối chua có màu vàng đậm. Măng tự nhiên để lâu thường có màu thâm đen. Riêng măng được làm trắng bằng hoá chất thì có màu trắng phau bất thường, rất đẹp mắt. Măng không hoá chất thì dai, không giòn; còn măng đã ngâm hoá chất thì rất giòn…".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn