MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát dẫn giải các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu vào phòng xử. Ảnh: Quang Việt

Phiên toà vụ chuyến bay giải cứu tạm dừng trước khi VKS luận tội

Việt Dũng LDO | 17/07/2023 10:05

Hà Nội - 8h hôm nay (17.7), theo thông báo trước đó, Viện KSND Hà Nội sẽ công bố bản luận tội, đề nghị mức án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

Tuy nhiên, theo đề nghị của Viện Kiểm sát, chủ tọa Vũ Quang Huy thông báo tạm dừng phiên tòa để cơ quan công tố dựa vào chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo đề xuất mức đề nghị phù hợp.

Trước phiên xét xử hôm nay, 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu ở cả 4 nhóm tội "Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ", đã khắc phục khoảng 60 tỉ đồng trong tổng 165 tỉ đồng hậu quả vụ án. Riêng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nộp hơn 16 tỉ đồng (theo chứng từ tòa thu thập).

Trong 4 ngày thẩm vấn tại TAND Hà Nội (từ 11-14.7), các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi.

21 người bị thẩm vấn tội "Nhận hối lộ" cùng khai, do thời gian đã lâu, công việc bận rộn hoặc số lần nhận tiền nhiều, không nhớ chính xác song thừa nhận nội dung cáo buộc.

Họ khai nghĩ nhận tiền như món quà cảm ơn và phủ nhận đã "vòi vĩnh", ép buộc. Khi được giải thích trong quá trình điều tra, các bị cáo thấy ân hận, lo sợ và tích cực khắc phục hậu quả vụ án.

23 người là lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành, bị truy tố tội "Đưa hối lộ" cũng khai tự nguyện đưa tiền, do thấy các cán bộ "làm việc vất vả" và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giải quyết thủ tục nhiều chuyến bay.

Song một số bị cáo cho rằng, buộc phải chi tiền do bị gây khó khăn, ngâm hồ sơ, xếp lịch bay sát ngày; hoặc bị yêu cầu đến "nói chuyện".

Trong đó có bị cáo Đào Minh - Giám đốc Công ty Vijasun cho rằng, bị ép đưa tiền để được thực hiện các chuyến bay giải cứu.

Theo cáo trạng, tiêu cực xảy ra từ cuối năm 2020 trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương trong đợt dịch COVID-19, gọi là chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh nơi thực hiện cách ly công dân về nước.

Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với dân hồi hương giữa đại dịch.

21 cựu quan chức bị xác định nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỉ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn