MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phó Vụ trưởng Bình đẳng giới: Cần loại bỏ hành vi sai trái với trẻ em

Cường Ngô - Nguyễn Hà LDO | 06/04/2019 07:00

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc xâm hại, dâm ô phụ nữ và trẻ em gái, khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Về vấn đề này, Báo Lao Động đã có trao đổi với bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Ở đâu trẻ em cũng có thể bị xâm hại

Thưa bà, hành vi ôm, hôn, sờ soạng bé gái trong thang máy ở TPHCM được định nghĩa là gì: Sàm sỡ, dâm ô, tấn công tình dục hay hiếp dâm?

- Hành vi này được gọi tên thế nào phải dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Pháp luật Hình sự Việt Nam hiện nay quy định có các tội Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô và Giao cấu.  Những quy định về nhóm tội này ở trong luật còn khá chung chung. Dù vậy, những người làm luật, cơ quan điều tra, công tố, xét xử vẫn phải dựa trên những quy định trong luật để xử lý đối tượng phạm tội.

Tôi hy vọng, sau những vụ việc xâm hại, dâm ô phụ nữ và trẻ em gái thời gian qua, với sự phản ứng dữ dội của dư luận, sẽ là kênh thông tin, để những người thực hiện pháp luật lưu tâm trong điều tra, truy tố, xét xử. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có chỉ đạo cần phải xử lý nghiêm minh những vụ việc như vậy.

Bé gái bị dâm ô trong thang máy.

Có người nói: "Bây giờ, bất cứ nơi đâu, môi trường nào cũng có thể xuất hiện mối nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em nếu người lớn thiếu cảnh giác và chủ quan". Quan điểm của bà thế nào?

- Điều này là đúng! Cũng bởi hiện nay, độ phủ truyền thông tốt hơn, người dân cập nhật, tiếp cận thông tin nhanh hơn, độ lan tỏa rộng hơn, nên những vụ việc dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em nhanh chóng được phát giác, đưa ra ánh sáng.

Thực tế, vấn đề xâm hại trẻ em không phải vấn đề riêng của riêng quốc gia nào, kể cả những quốc gia có kinh tế, dân trí, văn hóa phát triển, tiến bộ. Và, Việt Nam không ngoại lệ trong số những câu chuyện như vậy.

Tôi cho rằng, bất kể hành vi nào xâm hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai, đều phải bị lên án, đấu tranh để loại bỏ những hành vi sai trái ra khỏi xã hội.  

Theo bà, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?

- Có nhiều nguyên nhân, song, tôi nghĩ cần phải nhấn mạnh nguyên nhân sự xuống cấp, suy đồi về đạo đức của một bộ phận người, với những tư tưởng, suy nghĩ lệch chuẩn.

Ngoài ra, lỗ hổng về pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại. Có nhiều kẻ lợi dụng kẽ hở này để gây bất lợi cho bên yếu thế. Những lỗ hổng đó cần sớm khắc phục để đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - bà Trần Bích Loan.

Những người làm luật đã nhận ra được những sự thiếu sót

Như bà đã nói: "Các quy định trong Luật Hình sự về tội phạm tình dục còn mơ hồ và thiếu cụ thể". Tuy nhiên hiện nay, tòa tối cao không có văn bản hướng dẫn và thẩm phán không có chức năng diễn giải pháp luật. Bà kiến nghị gì về việc xây dựng các quy định pháp lý để ngăn ngừa vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em?

- Như tôi đã nói, Pháp luật Hình sự Việt Nam hiện nay quy định có nhóm tội Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô và Giao cấu, còn hành vi quấy rối tình dục chưa được đề cập rõ ràng. Hiện nay, mới chỉ có Bộ Luật lao động đề cập tới hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Song, bộ luật này cũng chưa có khái niệm cụ thể thế nào là quấy rối tình dục. Trong khi hành vi quấy rối tình dục diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, chứ không chỉ ở nơi làm việc và với các mối quan hệ xã hội đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ công việc.

Chúng ta chưa có quy định cụ thể, nên việc điều tra, truy tố, xét xử còn rất khó khăn. Điển hình là vụ sàm sỡ nữ sinh 20 tuổi trong thang máy của chung cư Golden Palm. Vì sự thiếu hụt của pháp luật như vậy, nên phải vận dụng quy định luật xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng đó.

Hành vi có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng, tổn hại, sang chấn tâm lý nạn nhân, mà chỉ xử phạt 200.000 đồng là chưa thỏa đáng. Tôi nghĩ những người làm luật đã nhận ra được những sự thiếu sót này.

Có nhiều người đề xuất cần "bêu tên" kẻ sàm sỡ, xâm hại tình dục trẻ em ở những nơi công cộng, hoặc sử dụng các biện pháp như "thiến sinh học" với các đối tượng này, bà nghĩ sao?

- Tôi hiểu động thái này của xã hội, nó xuất phát từ việc người dân quá bức xúc, đau lòng, phẫn nộ, muốn trừng trị nghiêm minh kẻ thủ ác.

Tuy nhiên, đề xuất gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Xử phạt mang tính răn đe, nhưng phải đảm bảo được sự nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Đề xuất phải mang tính khoa học, không phải vì anh như thế mà tôi phải làm như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn