MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc "đội quân livestream" tại đám tang cố nghệ sĩ Anh Vũ (ảnh cắt từ clip).

Phối hợp đồng bộ, tăng cường quản lý, xử lý kiểm soát livestream trên mạng xã hội

Đình Trường LDO | 31/05/2021 08:37

Cơ quan chức năng vừa đưa ra thông báo sẽ tiếp tục siết chặt quản lý vấn đề livestream trên mạng xã hội. Động thái được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.

Livestream và những ồn ào

Trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, tính năng livestream (phát trực tiếp) được triển khai một cách phổ biến, kể cả với những người dùng cá nhân. Với người dùng Việt, tính năng này được áp dụng từ khoảng năm 2016. Nó cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành một "kênh truyền hình", truyền tải tất cả những sự vật hiện tượng theo thời gian thực lên không gian mạng.

Nhưng bên cạnh sự tiện lợi rõ ràng, tính năng này cũng đem đến những tranh cãi về tác động tới cộng đồng, xã hội. Không khó để thấy được, tràn lan hiện nay là những video livestream kiểu bóc phốt, đưa tin giật gân, dùng chiêu trò câu view. Và điều đáng nói, những video tiêu cực như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, đã thu hút lượt tương tác rất cao, hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem, tạo nên làn sóng bàn tán sôi nổi trong dư luận.

Trở thành tâm điểm trên mạng xã hội tối 25.5 vừa qua, livestream được cho là vạch trần góc khuất các nghệ sĩ trong showbiz của một nữ doanh nhân đã gây chấn động dư luận. Những phát ngôn đều đề cập đến những nghệ sĩ nổi tiếng, giàu tên tuổi. Từ chuyện kêu gọi từ thiện, lối sống mập mờ, đời tư đầy biến hóa với lời lẽ, thông tin khá thẳng thắn. Điều đáng nói, nhiều nội dung trong buổi livestream đến nay vẫn đang gây tranh cãi, chưa được các cơ quan chức năng hay người trong cuộc lên tiếng, xác thực. Trong khi đó, lượng người theo dõi buổi lên sóng của vị doanh nhân này vẫn liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một dạng khác có thể kể tới, như việc các streamer lợi dụng cả sự ra đi của người đã khuất để câu view. Đó là việc nhiều cá nhân đã dùng đám tang của nghệ sĩ nổi tiếng để phát trực tiếp, thu hút lượt xem. Như tình trạng diễn ra đầu tháng 12.2020, trước và trong đám tang nghệ sĩ Chí Tài. Trước đó, tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, hàng trăm người dân thậm chí còn vô tư giẫm đạp lên mộ phần khác để livestream cảnh tiễn đưa nam nghệ sĩ.

Không ít các cá nhân còn sử dụng livestream để tuyên truyền các nội dung xuyên tạc, gây rối, chống người thi hành công vụ. Đó là đối tượng Trần Đình Sang (ở tỉnh Yên Bái) - người thường xuyên livestream hình ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ với những bình luận xuyên tạc, xúc phạm lực lượng chức năng, làm méo mó hình tượng công an nhân dân và gây nhiều hiểu lầm trong quần chúng.

Hay như trường hợp Độ Mixi. Điều đáng nói là người hâm mộ của streamer này phần đa là người trẻ, có cả các em nhỏ. Các phát ngôn trong video của anh này có thể khiến trẻ nhỏ bắt chước theo, thiếu yếu tố giáo dục và ảnh hưởng không lành mạnh đến sự phát triển của trẻ.

Làm sao kiểm soát?

Trước sự xuất hiện của nhiều video livestream phản cảm, mới đây (ngày 29.5), Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Đây không phải lần đầu tiên, vấn đề siết chặt quản lý livestream được đặt ra, từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết đang tiến hành phối hợp và yêu cầu mạng xã hội Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam; trước mắt áp dụng tại TP.Hà Nội, TPHCM và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream). Giải pháp này nhằm ngăn chặn vấn nạn tin giả, truy trách nhiệm cá nhân và gỡ bỏ các bài viết vi phạm.

Dù vậy, đến nay, thực trạng livestream phản cảm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo phía Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video vi phạm gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh), livestream thực sự là một con dao hai lưỡi, sẽ có những hệ lụy khôn lường nếu người dùng không cẩn trọng.

"Để khắc phục những tình trạng nêu trên, điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp hiệu quả với nhau để kiểm soát tốt vấn đề sử dụng mạng xã hội. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều luật liên quan khác. Trong luật cũng đã quy định rất cụ thể, khi chúng ta livestream trên mạng những hình ảnh vi phạm văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, những bí mật đời sống riêng tư, hình ảnh cá nhân... thì có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng - 50 triệu đồng. Tiếp đó, cũng cần nghiên cứu để có những bộ lọc trong trường hợp livestream đưa lên hình ảnh phản cảm, xấu độc để kiểm soát và phát hiện kịp thời" - bà Ngô Thị Minh nêu quan điểm.

Ở khía cạnh pháp lý, theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc một số người dùng livestream Facebook hay YouTube, tùy tiện quay phim, đưa hình ảnh người khác lên mạng xã hội có thể vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Theo điều này quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn