MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc căn biệt thự của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh. Ảnh: Đ.X

Phong tỏa tài sản ra sao qua vụ bắt ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long?

Việt Dũng LDO | 09/06/2022 16:26

Qua vụ án vừa khởi tố với ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… và trước đó là cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang, một công tác quan trọng được Cơ quan điều tra thực hiện là việc kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can.

Như Lao Động đưa tin, ngày 7.6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Công Tạc - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí";

Ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến sai phạm trong vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á.

Cùng với thông báo trên, Bộ Công an cũng cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Cùng ngày khởi tố, cơ quan công an cũng thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long. Đặc biệt, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh căn biệt thự "khủng" của gia đình ông Chu Ngọc Anh nằm trong Khu đô thị Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Nhiều ý kiến thắc mắc liệu căn biệt thự này có bị kê biên để đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản sau này?

Ở khía cạnh pháp lý, tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc kê biên, phong tỏa tài sản là việc làm cần thiết của cơ quan chức năng đối với các vụ án liên quan đến chức vụ, tham nhũng…

Đối với việc khởi tố ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác là hành vi nào; Hành vi phạm tội được thể hiện qua các chứng cứ nào.

Yếu tố vụ lợi ở đây có bao gồm việc nhận tiền, tài sản từ công ty Việt Á hay không. Trong trường hợp có nhận tiền, tài sản thì đó là bao nhiêu tiền.

“Cơ quan điều tra sẽ thu giữ những tài sản do phạm tội mà có đồng thời có thể tiến hành niêm phong, kê biên các tài sản của bị can để đảm bảo thi hành án trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã thực hiện hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước”, luật sư Cường cho biết.

Do đó, căn biệt thự của gia đình ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và nhiều tài sản khác của các ông này hoàn toàn có thể bị cơ quan điều tra xác minh, tiến hành các thủ tục để kê biên, phong tỏa.

Việc kê biên, phong toả được nêu rõ tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Ở vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Dược Cửu Long, trong bản kết luận, đề nghị truy tố ông Cao Minh Quang - cựu Thứ trưởng Y tế cùng 7 bị can khác về các tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, TPHCM đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến các tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của bị can Cao Minh Quang; Dương Huy Liệu - cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.

C03 đã phong tỏa 2 tài khoản (sổ tiết kiệm) tổng trị giá 1,5 tỉ đồng và kê biên 4 tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu của bị can Lương Văn Hóa - cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long và vợ; kê biên 5 giấy tờ về quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu của bị can Nguyễn Văn Thanh Hải - cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long.

Thực tế, cho thấy, việc kê biên, phong toả tài sản của các bị can, bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra đã giúp thu hồi tài sản lớn lại cho Nhà nước.

Cụ thể ở vụ án Phan Sào Nam - trùm đường dây đánh bạc hàng chục nghìn tỉ, ngoài hình phạt 5 năm tù, người này phải thi hành án dân sự với số tiền 1.475 tỉ đồng. Đến tháng 9.2021, ông Nam đã nộp khắc phục 1.383 tỉ đồng, còn phải thi hành 11 tỉ đồng và 3,5 triệu USD.

Cũng ở vụ án Phan Sào Nam, lần đầu tiên tại Việt Nam có việc thu được tiền thi hành án từ nước ngoài với số tiền rất lớn là 2,65 triệu USD. Thông tin này được lãnh đạo Tổng Cục thi hành án dân sự chia sẻ tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp trước đó.

Một lãnh đạo Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ làm tốt hơn, thậm chí xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa chữa, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn