MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huyền Như: 5 doanh nghiệp bị lừa đảo là do... “hám lợi”

HOÀNG HƯNG LDO | 29/05/2018 15:13
Ngày 29.5 tiếp tục phần tranh luận giữa các luật sư và Viện Kiểm sát tại phiên toà. Các luật sư bảo vệ cho quyền lợi của Vietinbank đã mạnh mẽ vạch ra nhiều khuyết điểm, nguyên nhân của 5 doanh nghiệp; dẫn tới 5 doanh nghiệp này bị Huỳnh Thị Huyền Như dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng...

Phản hồi những quan điểm đổ lỗi cho phía Vietinbank từ các luật sư của các doanh nghiệp bị lừa đảo, luật sư Trương Thị Hoà (đoàn luật sư TPHCM, bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank) khẳng định: Huyền Như đã có ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tiền của các đơn vị ngay từ đầu. Hành vi lừa đảo của Như là cả một chuỗi dài, có tính toán, thủ đoạt hết sức tinh vi...

Ban đầu, Như giả danh, lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank TPHCM để huy động vốn của các đơn vị bằng bẫy lãi suất cao và bằng thủ đoạn gian dối: Trả tiền chênh lệch trước khi ký hợp đồng hoặc ngay khi tiền chuyển về; chi riêng tiền hoa hồng cho người môi giới, ký hợp đồng giả, làm dấu giả, sử dụng lệnh chi giả.

Mọi hành vi gian dối của Như đều nhằm vào tài sản của các doanh nghiệp này để chiếm đoạt, do chính sai phạm của các doanh nghiệp, do “lòng tham” về lãi suất, tiền hoa hồng, tiền chênh lệch... Như vậy, đây là quan hệ lừa đảo và trong mối quan hệ đó, Như đã lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Viện Kiểm sát, “do các công ty hám lợi, hưởng lãi suất cao vượt quy định tiền gửi theo quy định của Ngân hàng nhà nước, nên các công ty đã bị Huyền Như dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Toàn bộ 5 công ty gồm: Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu, Phương Đông và An Lộc, đều thực hiện các thoả thuận ngầm với Huyền Như về việc hưởng lãi suất cao (lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định lúc bấy giờ là 14%).

Cụ thể: Với Cty Hưng Yên đã thoả thuận lãi suất từ 18-22%/năm; Cty SBBS tự thoả thuận lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2-7%/năm; Cty Toàn Cầu lãi suất ngoài hợp đồng là 2%, Cty Phương Đông và Cty An Lộc lãi suất ngoài hợp đồng từ 5-5,5%/năm. Đây là các thoả thuận trái pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước VN.

Hai bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên toà. Ảnh: H.H

Các thoả thuận đều xảy ra trước khi mở tài khoản chuyển tiền vào Vietinbank. Các doanh nghiệp cũng sai phạm, khi với tư cách chủ tài khoản đã bỏ mặc hoặc phó thác cho bị cáo Như thao túng, chỉ quan tâm đến việc nhận tiền lãi suất cao, lãi suất vượt trần...

Bên cạnh đó, phải kể đến một số cá nhân hưởng lợi từ việc môi giới huy động vốn. Đây là khoản tiền được trích ra từ tiền mà bị cáo Như đã phạm tội mà có. Cụ thể: Vũ Minh Hải và Vũ Thị Mỹ Linh nhận từ Như 16,9 tỷ đồng tiền môi giới về việc ký hợp đồng đối với Cty SBBS. Huyền Như khai đã chi tiền môi giới tiền gửi cho bà Lê Thị Thanh Phượng (nguyên Giám đốc khối Nguồn vốn Ngân hàng Tiên Phong) số tiền 2%/năm trên tổng số tiền gửi là 1.860 tỷ đồng, tương đương 37,2 tỷ đồng, qua ký hợp đồng với 2 Cty An Lộc và Phương Đông.

Các sai phạm trên hoàn toàn không thông báo cho Vietinbank biết để xử lý. Vietinbank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của 5 doanh nghiệp – nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Vietinbank không thực hiện giao dịch đối với 5 công ty; việc bị cáo Như thoả thuận với 5 công ty đã đăng ký mở tài khoản tại Vietinbank để thực hiện các giao dịch là bất hợp pháp.

Do các nguyên đơn dân sự có lỗi, nên phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra. Bị cáo Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1.085 tỷ đồng cho 5 công ty. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn