MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình khám xét chỗ ở của đối tượng cho vay lãi nặng. Ảnh: CAQB

Quảng Bình: “Mạnh tay” với “tín dụng đen”

LÊ PHI LONG LDO | 26/02/2022 17:18

QUẢNG BÌNH - Ngày 26.2, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua đã liên tục triệt phá những đường dây tín dụng đen, lãi suất cho vay lên đến hàng trăm phần trăm một năm.

Theo đó, trong năm 2021, lực lượng chức năng tại Quảng Bình đã khởi tố 11 vụ với  21 bị can liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi, vì vậy, tình hình tội phạm tín dụng đen cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, theo Công an tỉnh Quảng Bình, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trong khi đó, tác động của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, các đối tượng cho vay tín dụng đen lợi dụng tình hình quay trở lại hoạt động; ngoài việc phát tán, rải tờ rơi, các đối tượng chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay.

Gần đây nhất, tháng 1.2022, Công an tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ Nguyễn Thị Cẩm Nhung (SN 1984, trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới) và Trương Thị Lệ Hằng (SN 1975, trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đường dây cho vay nặng lãi này có 8 đối tượng liên quan trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Từ năm 2018 đến nay, các đối tượng đã thực hiện hơn 500 lượt người tại các địa phương gồm TP.Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn vay tiền, tổng số tiền giao dịch 5 tỉ đồng với mức lãi suất từ 120% đến 700% một năm. Khi người vay không có khả năng trả lãi và trả gốc thì các đối tượng dùng các thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm thu tiền lãi, tiền gốc.

Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay việc xử lý về việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có nhiều thuận lợi hơn. Theo quy định mới, nếu như trước đây, cơ quan chức năng làm rõ được việc thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng mới xử lý hình sự, bây giờ những lần cho vay nặng lãi chưa đủ 30 triệu đồng nhưng cộng lại nhiều lần trên 30 triệu đồng vẫn xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đã xuất hiện việc cho vay tín chấp, một số đối tượng hoạt động cho vay qua mạng internet, sử dụng những hình ảnh nhạy cảm của chị em phụ nữ để khống chế, đòi nợ. Khi người vay không có tiền trả các đối tượng dọa sẽ tung hình ảnh lên mạng xã hội và gửi cho người thân, bạn bè của người vay…

Lực lượng Công an cho hay, “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi phạm tội, dễ phát sinh các hành vi phạm tội như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, khủng bố tinh thần…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn