MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi làm căn cước công dân gắn chip, người dân phải nộp lại chứng minh thư. Ảnh: V.D

Rủi ro nào khi có căn cước công dân vẫn dùng chứng minh thư cũ?

Quang Việt LDO | 03/04/2022 18:30

Không ít trường hợp muốn giữ lại chứng minh nhân dân nên khi làm căn cước công dân gắn chip báo mất, song chuyên gia cho rằng việc này có thể gặp rủi ro.

Hiện nay, Bộ Công an đã trả hơn 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 59/2021, cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc đổi thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, không ít trường hợp do khai báo mất, không giao nộp... mà sau khi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, người dân vẫn còn giữ Chứng minh nhân dân cũ.

Điều này khiến một số người đã làm căn cước công dân mới lại có cùng lúc hai loại giờ tờ chứng minh nhân thân là căn cước công dân gắn chip mới làm và Chứng minh nhân dân cũ.

Về điều này, luật sư Nguyễn Thị Hường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, chứng minh nhân dân và căn cước công đều có giá trị chứng minh nhân thân của một người khi tham gia các giao dịch dân sự hay thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp chỉ dùng để đối chiếu, nhận dạng nhân thân và không cần ghi lại số chứng minh nhân dân thì việc sử dụng chứng minh nhân dân cũ hầu như không có ảnh hưởng gì.

Hoặc việc sử dụng các giấy tờ có ghi thông tin cá nhân là số chứng minh nhân dân cũ trong các giao dịch, thủ tục hành chính cùng với căn cước công dân mới hoàn toàn được chấp nhận. Bởi căn cước công dân gắn chip có tích hợp cả số chứng minh nhân dân cũ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng chứng minh nhân dân cũ hết hiệu lực để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.

Luật sư Hường nêu ví dụ cụ thể, trong hợp đồng ký kết, sử dụng chứng minh nhân dân đến khi hết hiệu lực thì hợp đồng đó bị vô hiệu.

Vì vậy, người dân chỉ nên dùng duy nhất căn cước công dân mới làm trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này.

"Người dân không nên sử dụng cả chứng minh nhân dân và căn cước công dân gắn chip đồng thời", luật sư Hường nói.

Bên cạnh đó, việc sử dụng chứng minh nhân dân hết hiệu lực sau khi làm căn cước công dân gắn chip, công dân vi phạm tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 144 của Chính phủ. 

Với lỗi “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân”, người vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn