MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sai phạm của các cán bộ Cục Thuế TPHCM trong vụ Thuduc House

Anh Tú LDO | 07/06/2023 16:36

Theo cáo trạng, nhóm cán bộ Cục thuế TP Hồ Chí Minh bị cáo buộc có sai phạm khi để doanh nghiệp buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 365 tỉ đồng.

Ngày 7.6 - ngày làm việc thứ hai trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và một số đơn vị, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh công bố bản cáo trạng.

Trong vụ án này Cục thuế TP Hồ Chí Minh, Thuduc House là bị hại và tòa đã triệu tập đại diện 2 cơ quan này tham gia phiên tòa.

Theo đó, trong số 67 bị cáo bị truy tố trong vụ án có 18 người là lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh bị truy tố về hai tội danh: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Cựu Cục phó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Theo cáo trạng, từ tháng 2.2018 đến tháng 8.2019, Công ty Nhà Thủ Đức (Thuduc House) lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề nghị hoàn thuế GTGT 365 tỉ đồng. Tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hoàn thuế này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành 17 Quyết định hoàn thuế GTGT cho Công ty Nhà Thủ Đức.

Trong khi Công ty Nhà Thủ Đức không phải là đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vì không có hàng xuất khẩu (giao dịch xuất khẩu là giả tạo), không đáp ứng các điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu của Công ty Nhà Thủ Đức ký với phía nước ngoài là xác lập giao dịch xuất khẩu cách giả tạo. Tuy nhiên, Công ty Nhà Thủ Đức đã sử dụng chứng cứ, tài liệu không hợp pháp như hợp đồng xuất khẩu xác lập xuất khẩu cách giả tạo để xác định sai số tiền thuế được hoàn.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Công ty Nhà Thủ Đức, một số cán bộ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuế, quy trình, quy định trong việc xét duyệt, thẩm định về việc hoàn thuế GTGT. Từ đó dẫn đến việc không phân tích, đánh giá, đối chiếu số liệu, chứng từ, điều kiện, thủ tục đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra liên quan đến số thuế đề nghị hoàn trong các bộ hồ sơ hoàn thuế; không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ; không tổ chức thực hiện thanh, kiểm tra kịp thời để phát hiện sai phạm, ngăn chặn dẫn đến việc hoàn thuế không đúng đối tượng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 365 tỉ đồng.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, bị cáo buộc biết rõ hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House có rủi ro và đã giao cho cấp dưới kiểm tra. Tuy nhiên, bà Hạnh không chờ kết quả kiểm tra mà vẫn duyệt ký các quyết định hoàn thuế của Cục thuế TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Công ty Nhà Thủ Đức có số hoàn thuế tăng đột biến, doanh nghiệp bên mua và bán có quan hệ liên kết. Bởi thế, theo quy định toàn bộ hồ sơ hoàn thuế phải thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Tuy nhiên Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vẫn thực hiện "hoàn thuế trước khi kiểm tra".

Tại các văn bản đề xuất thẩm định hồ sơ đề nghị hoàn thuế, chính lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đánh giá mức độ rủi ro và kiến nghị kiểm tra. Tuy nhiên nhóm bị cáo là cán bộ Cục Thuế vẫn tiếp tục ký hồ sơ đề xuất cho Công ty Nhà Thủ Đức được hoàn thuế. Đến giai đoạn thanh tra sau hoàn thuế, khi được phòng chuyên môn báo cáo về dấu hiệu rủi ro, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã "chậm trễ trong tổ chức thực hiện". Từ đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thuế GTGT cho Công ty Nhà Thủ Đức.

Ngoài sai phạm về hoàn thuế, có 3 cán bộ thuế còn nhận hối lộ tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Theo cáo trạng, Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng) trao đổi, thống nhất với Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn), Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh về việc lập, sử dụng 17 công ty "ma" để xuất hóa đơn GTGT khống cho 6 công ty trung gian của Trịnh Tiến Dũng.

Để duy trì hoạt động của các công ty này, Ngát trực tiếp hoặc nhờ Đặng Ngọc Phú (đã xuất cảnh ra nước ngoài) trao đổi, thống nhất với các cán bộ thuế phụ trách địa bàn là Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 3), Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế Quận 5).

Cụ thể, Ngát sẽ chi tiền cho các cán bộ này (tương đương tỉ lệ từ 0,2-0,3% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty) để thực hiện yêu cầu của Ngát, như: không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh, báo trước việc kiểm tra, thanh tra thuế; báo trước cho Ngát những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để Ngát nộp thuế, tránh bị cưỡng chế... Trong đó, Nam nhận của Ngát 6,1 tỉ đồng, Nga nhận 776 triệu đồng, Lũy nhận 497 triệu đồng. Hai bị cáo Nga và Lũy đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ từ Ngát cho cơ quan điều tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn