MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng những sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp (ảnh minh họa).

Sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp

Cao Nguyên LDO | 26/09/2020 14:00
Để không xảy ra tình trạng mua bán hóa đơn giả, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Mỗi một năm Tổng cục thuế đưa vào diện kiểm tra là 20% số doanh nghiệp (DN) - ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết trong cuộc trao đổi với Lao Động.

Hàng nghìn DN vi phạm

Theo thống kê, năm 2017, ngành Thuế đã phát hiện 3.354 DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp với 382.876 hóa đơn vi phạm. Cơ quan Thuế các cấp đã xử lý, truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN 96,7 tỉ đồng. Năm 2018, đã phát hiện 2.983 DN với 58.812 hóa đơn vi phạm, truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN 46,3 tỉ đồng. Năm 2019, phát hiện 1.137 DN với 54.988 hóa đơn vi phạm, truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN 51 tỉ đồng.

Cách đây hơn 3 tháng qua, Công an Hải Phòng đã phá 4 vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) với doanh số lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Mới đây nhất, các lực lượng chức năng của Công an TP.Hải Phòng đã tổ chức tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với ông Ngô Văn Phát (SN 1964, quê quán tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông Phát bị bắt về hành vi “mua bán hóa đơn trái phép”. Số tiền ước lượng đại gia Phát và 3 nhân viên mua bán hóa đơn trị giá lên đến khoảng 5.000 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, song những sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập DN; cơ chế tự khai, tự nộp thuế; cơ chế tự in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn để thành lập, mua bán, sát nhập DN... để in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cần biện pháp mạnh để xử lý

Cũng để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tổ chức nhận dạng DN có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, DN sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Đồng thời thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế, nhất là những thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát ngân hàng; thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác; lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, qua đó rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về người nộp thuế để nhận diện, xác định danh sách người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn.

Ngoài ra, phải kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ, tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước.

Chia sẻ với PV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cho rằng, bản chất quản lý hóa đơn là quản lý giá thành kinh doanh. Vì vậy, khi có hóa đơn giả thì những mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng của DN sẽ được tính và sau này được trừ trong chi phí sản xuất DN.

Thứ 2, tính toán các chi phí theo giá hóa đơn đã có vào khoản chi của giá thành. Những khoản chi không có khai hoặc không hợp lý nhưng từ hóa đơn nó lột xác thành khoản chi khác lại hợp lý. Mà từ đó được tính vào giá thành kinh doanh. Và như vậy đẩy giá thành sản xuất kinh doanh cao lên thì lợi nhuận DN giảm đi. Lúc đó cũng kéo theo việc đóng thuế ít đi.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hình phạt đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn VAT còn quá nhẹ (cao nhất phạt tù từ 1 đến 5 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm), nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn