MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phạm Công Danh trong lần xét xử giai đoạn đầu. Ảnh: Phùng Bắc

Sáng mai mở phiên tòa xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2

Phùng Bắc LDO | 07/01/2018 12:07
Theo quyết định của TAND TPHCM, sáng mai 8.1 xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.

Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn hai, với những “đại gia” liên quan như như Trầm Bê, Phan Huy Khang và số người tòa triệu tập lên đến gần 200. Vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam – VNCB) giai đoạn hai dự kiến kéo dài đến ngày 7.2. 

Trong 46 bị cáo, có bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank).

Với giai đoạn hai vụ án Pham Công Danh, theo cáo trạng truy tố của cơ quan tố tụng, từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lấy 29 pháp nhân của 29 công ty do chính Phạm Công Danh thành lập để dùng 29 hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng là Sacombank, TPbank và BIDV. Để vay được tiền của 3 ngân hàng này, Phạm Công Danh dùng “chiêu” mang tiền của VNCB gồm hơn 6.600 tỷ đồng gửi vào các ngân hàng nêu trên rồi cầm cố (tài sản thế chấp cho 29 công ty của Danh) nhằm vay tiền của 3 ngân hàng rồi lại rút tiền ra tiêu xài. Hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho chính ngân hàng do Danh làm quản lý là VNCB lên đến hơn 6.100 tỷ đồng.

Cũng theo truy tố của VKS, mặc dù biết Phạm Công Danh không được vay tiền tại VNCB, nhưng ông Trầm Bê và Phan Huy Khang giúp sức cho Danh rút tiền của VNCB bằng cách mang tiền từ chính VNCB rồi đi gửi tại Sacombank, sau đó dùng hồ sơ khống của các công ty vay tiền Sacombank. Đến hạn trả tiền theo hợp đồng, Phạm Công Danh không thực hiện trả nợ tại Sacombank, nên Sacombank thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo vay bằng chính khoản tiền bảo lãnh của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.

Tương tự, tại ngân hàng khác, trong số tiền vay gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng, thì Phạm Công Danh cũng dùng “chiêu” như tại Sacombank: Dùng hồ sơ khống, vay bằng khoản tiền của chính VNCB gửi để thế chấp, sau đó chính VNCB bị thiệt hại vì Phạm Công Danh không trả nợ, nên số tiền là tài sản đảm bảo vay bị các ngân hàng cho vay xử lý nợ.

Trước đây, đầu năm 2017, Phạm Công Danh đã bị tuyên án 30 năm tù trong lần xét xử giai đoạn đầu vì gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn