MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn.

Sắt rơi từ công trình ở Hà Nội làm chết một người đi đường: Ai phải chịu trách nhiệm?

C.N LDO | 28/09/2018 10:50
Người phạm tội - ngoài chịu trách nhiệm hình sự, còn phải chịu trách nhiệm dân sự như đền bù tổn thất tinh thần, cấp dưỡng cho gia đình nạn nhân.

Tối 27.9, một thanh sắt trong hệ thống giàn giáo của công trình đang thi công trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) bất ngờ rơi trúng 3 xe máy đang lưu thông trên đường, khiến 1 người phụ nữ tử vong.

Trong trường hợp này, nhiều người đặt  nghi vấn, ai phải chịu trách nhiệm trước cái chết của cô gái và người đàn ông bị thương?

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sự cố nói trên, một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các sự cố là sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không có bao che các lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nguy hiểm nhiều người qua lại…

Hậu quả chết người xảy ra, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Theo luật sư, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ, hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Để tổ chức thi công, nhà thầu sẽ có bộ phận quản lý an toàn lao động, hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.

Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động, phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu.

Quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn, hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.

Từ những phân tích trên, luật sư cho biết, sự cố thanh sắt công trình xây dựng do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình, người này không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30.3.2017 của Bộ Xây dựng; có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người". Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm tùy theo mức độ, tính chất.

Nhà thầu thi công phải bồi thường thiệt hại

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.

Theo đó: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trước tiên nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn