MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau một đêm, hơn 1.200 cây cao su bị huỷ hoại

CAO HÙNG LDO | 05/12/2017 09:59

Vợ chồng ông Trần Đức Lý (trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gần như ngất xỉu, khi sáng ra cạo mủ, phát hiện hàng ngàn cây cao su của gia đình bị kẻ gian huỷ hoại.

Ngày 4.12, ông Lý cho biết: Gia đình ông có vườn cao su đã hơn 6 năm tuổi, đang cho mủ và khai thác suốt thời gian qua. Cách đây khoảng 3 hôm, như thường lệ, vợ ông Lý cùng công nhân ra lô khai thác mủ khoảng 4h sáng. Tuy nhiên, cảnh tượng kinh hoàng xảy ra đã khiến vợ ông Lý choáng váng - hàng ngàn cây cao su đã bị kẻ gian chặt phá, đổ rạp ngổn ngang...

Cơ quan công an và Viện Kiểm sát huyện Đồng Phú đã có mặt tại hiện trường. Ảnh: H.H

Theo ông Lý, vườn cao su này thuộc khoảnh 6, tiểu khu 362, dự án Sasco, có diện tích trên 20,8 ha. Cách đây khoảng 10 năm, ông Lý bỏ vốn đầu tư và được hưởng tỷ lệ phân chia vườn cao su, theo hợp đồng hợp tác với ông Trần Tấn Minh - nguyên giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung.

Ngày 3.12, Công an huyện Đồng Phú đã xuống khám nghiệm hiện trường. Tại đây, các điều tra viên đã thống kê có 1.218 cây cao su đã bị huỷ hoại. Đường kính các cây cao su bị kẻ gian  chặt hạ gồm 16cm, 25cm và 41cm. Tổng diện tích vườn cao su bị đốn hạ là 3 ha. Ngoài ra, tại một khu khác trong vườn cao su của ông Lý, sau khi công nhân cạo mủ, kẻ gian đã lén lút cắt bỏ, đập phá 344 tô (tương đương 344 cây) đang cho mủ....

Ngay trong ngày 3.12, Công an huyện Đồng Phú đã triệu tập một số đối tượng liên quan, có dấu hiệu huỷ hoại tài sản của vợ chồng ông Lý, trong đó có một nhân viên bảo vệ thuộc Công ty TNHH Phát Lộc.

Điều tra viên Công an huyện Đồng Phú đang lập biên bản vụ huỷ hoại vườn cao su của gia đình ông Trần Đức Lý. Ảnh: H.H

Như báo Lao Động gần đây đã phản ánh: Sai phạm trong vụ “xẻ thịt” đất rừng tại dự án Sasco, liên quan đến ông Trần Tấn Minh – nguyên giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung – đã được cơ quan  chức năng điều tra, kết luận từ năm 2012. Tuy nhiên, tỉnh Bình Phước vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm theo đúng quy định luật pháp.

Chính vì vậy, dẫn tới tranh chấp kéo dài trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, thời gian gần đây, trước xu hướng giá mủ cao su tăng trở lại, đã có hiện tượng mua bán vườn cao su tại khu vực nông lâm trường Suối Nhung, với giá sang nhượng bằng giấy tay từ 300 – 400 triệu đồng/ha...

Bên cạnh đó, tại các vụ tranh chấp, xuất hiện dấu hiệu thuê mướn người  nhằm cướp đoạt, đe doạ tính mạng người khác, gây bất ổn về an ninh trật tự cả một vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn