MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Tô Anh Dũng (trái) và Phạm Trung Kiên là hai trong số những bị can nhận hối lộ nhiều nhất từ Nguyễn Thị Thanh Hằng. Ảnh: Bộ Công an

Sếp doanh nghiệp "đi đêm", chạy án tổng cộng trăm tỉ vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng LDO | 07/04/2023 08:52

Ngoài chi hơn 38 tỉ đồng cho quan chức nhiều bộ ngành để được thuận lợi trong các chuyến bay giải cứu, hai sếp Công ty Bluesky còn chung chi hơn 62 tỉ "chạy án" và bị lừa đảo.

Trong số 54 người bị Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố ở vụ án chuyến bay giải cứu, ông Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky bị cáo buộc "Đưa hối lộ".

Theo kết luận, đợt đại dịch COVID-19, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục: có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách li y tế của UBND các tỉnh, thành phố.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp còn song song kí hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, kí hợp đồng và đặt cọc tiền thuê khách sạn...

Do vậy, nếu không được các bộ, ngành, địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách li y tế theo dự kiến thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Bên cạnh đó, do đại dịch, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, việc làm khác. Trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt băng, trả lương nhân viên.

Vì vậy, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ, để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian, họ đưa tiền số lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp xin tổ chức các chuyến bay combo từ các cơ quan có thẩm quyền để trung gian thực hiện hành vi môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính.

Theo kết luận, bị can Sơn và Hằng để được thuận lợi thực hiện các chuyến bay đưa người từ nước ngoài về Việt Nam, cả hai đã trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ đặt vấn đề, đưa hối lộ cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách li y tế, cấp phép vượt số lượng khách.

Do cùng góp vốn để kinh doanh, điều hành hoạt động của Công ty Bluesky nên Sơn và Hằng đã cùng bàn bạc, thống nhất mức tiền chi, cùng kết nối, đưa tiền cho các cán bộ có thẩm quyền.

Theo đó, trong quá trình xin 109 chuyến bay, xin chủ trương cách li y tế, Sơn và Hằng đã chi phí tổng cộng hơn 38,5 tỉ đồng.

Cụ thể, họ đưa cho Nguyễn Thanh Hải - cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ 5 tỉ đồng; Nguyễn Tiến Thân - chuyên viên Vụ này số tiền 3,2 tỉ đồng;

Đưa cho ông Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao 5,9 tỉ; Đỗ Hoàng Tùng - cấp dưới của bà Lan, cựu Phó cục trưởng 2,6 tỉ đồng;

Đưa cho Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế 6 tỉ đồng; Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam 5 tỉ...

Ông Lê Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng còn chủ động khai báo việc đưa tiền cho một số cá nhân khác. Song, Cơ quan An ninh điều tra đã tách để điều tra và xử lí ở giai đoạn sau của vụ án.

Ngoài ra, từ tháng 1-12.2022, khi bị điều tra, Hằng làm đại diện liên hệ gặp, đưa 2,8 triệu USD nhờ ông Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội để “lo” cho bà ta và Sơn không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng, chỉ có cơ sở xác định đưa hối lộ là 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61,6 tỉ đồng).

Cơ quan chức năng cáo buộc, bà Hằng đồng phạm với ông Sơn đưa hối lộ hơn 100 tỉ đồng. Song, kết luận cho rằng, bị can buộc phải tìm cách liên hệ, móc nối, đưa tiền cho cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép chuyến bay.

Trên thực tế, số tiền trên, ông Tuấn đã đưa một phần cho cựu Trưởng phòng Phòng Điều tra, Cục An ninh điều tra - Hoàng Văn Hưng 800.000 USD (tương đương gần 19 tỉ đồng) để lo "chạy án" cho Hằng và Sơn.

Ông Hưng bị cáo buộc đưa ra những thông tin không đúng sự thật về vai trò của bản thân trong việc xử lí vụ án chuyến bay giải cứu. Thời điểm nhận tiền, ông Hưng đã bị điều chuyển công tác, không còn liên quan đến quá trình điều tra vụ án này.

Hành vi của ông Hưng được xác định phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn