MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trịnh Văn Quyết khi còn làm chủ tịch Tập đoàn FLC. Ảnh: TTXVN

Sếp doanh nghiệp giúp sức nâng khống vốn cho công ty của cựu chủ tịch FLC

Việt Dũng LDO | 16/04/2024 16:46

Ngoài tài xế, thợ may giúp sức để Công ty FAROS của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng, rồi niêm yết cổ phiếu bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt tiền, cơ quan tố tụng còn làm rõ vai trò của nhiều sếp doanh nghiệp.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, tháng 8.2012, Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo Doãn Văn Phương - Tổng Giám đốc FLC (đã xuất cảnh ra nước ngoài) cùng một số cá nhân mua lại Công ty Green Belt có vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng (sau hai lần đổi tên thành Công ty FAROS).

Sau đó, Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng và niêm yết bán cổ phiếu, từ đó chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Giúp sức cho một loạt chuỗi sai phạm trên, cơ quan công tố xác định có vai trò của Trương Văn Tài - lái xe của Trịnh Văn Quyết; Nguyễn Thị Hồng Dung - thợ may; Nguyễn Quang Trung - lái xe Bệnh viện Hà Thành trong việc cho Trịnh Thị Minh Huế (em gái của bị can Quyết) nhờ đứng tên cổ đông, mượn giấy tờ thành lập doanh nghiệp… để nâng khống vốn góp tại FAROS.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát còn chỉ ra vai trò của một số bị can là sếp các doanh nghiệp. Trong đó có Phạm Thị Hải Ninh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vân Long - người không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của FAROS song được Huế nhờ đứng tên cổ đông góp vốn vào công ty này, ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để hợp thức việc nâng khống vốn góp.

Theo đó, bị can Ninh đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần, giấy chuyển tiền để sở hữu hơn 9,8 triệu cổ phần (tương đương hơn 98 tỉ đồng) hợp thức nâng khống vốn góp. Sau đó, bị can Ninh ký hợp đồng chuyển trả lại toàn bộ số cổ phần này cho Trịnh Văn Quyết.

Bị can Ninh còn nhận chuyển nhượng 5.000 cổ phiếu để hợp thức đủ số cổ đông niêm yết trên sàn chứng khoán; Ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư tổng số tiền 35 tỉ đồng, để hợp thức dòng tiền góp vốn khống từ 1.125 tỉ lên hơn 3.037 tỉ đồng.

Cơ quan công tố cáo buộc, hành vi của Phạm Thị Hải Ninh đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đó, Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Viện Kiểm sát đánh giá, bị can Ninh thừa nhận hành vi phạm tội và khai được hưởng lương 30 triệu đồng/tháng.

Tương tự, Trịnh Thị Út Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu DAMEXCO cũng không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của FAROS nhưng được Huế nhờ đứng tên cổ đông góp vốn, ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của công ty này để hợp thức nâng vốn góp khống.

Bị can Xuân đã ký thủ tục để sở hữu 2.000 cổ phần (tương đương 20 triệu đồng) để niêm yết trên sàn chứng khoán; Đại diện Công ty DAMEXCO ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh với giá trị 286,2 tỉ đồng của FAROS để hợp thức dòng tiền nâng khống vốn góp.

Bị can Xuân cũng ký nhiều chứng từ để Huế làm thủ tục rút tiền, chuyển tiền từ tài khoản của Công ty DAMEXCO quay vòng dòng tiền góp vốn khống; Ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn góp.

Hành vi của bị can Xuân cũng bị xác định giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đó, Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Bị can còn khai được hưởng lương từ 14-20 triệu đồng/tháng.

Viện Kiểm sát truy tố Phạm Thị Hải Ninh và Trịnh Thị Út Xuân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò đồng phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn