MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Số tiền 170 tỉ đồng nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu giải quyết ra sao?

Quang Việt LDO | 06/04/2023 13:01

Chuyên gia luật cho rằng, công dân trong các chuyến bay giải cứu không phải là nạn nhân, số tiền nhận hối lộ của nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ các bộ ngành sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, kết luận điều tra không thể hiện số tiền người dân "bị mất" khi về nước trên những chuyến bay như vậy, nhưng cáo buộc 21 cựu quan chức nhận hối lộ khoảng 170 tỉ đồng.

Trong các chuyến bay giải cứu, hàng ngàn người dân đã phải trả các chi phí rất cao như phí mua vé máy bay, phí lưu trú, ăn uống trong thời gian cách ly... Các chi phí này cao gấp nhiều lần so với chi phí thông thường.

Với nội dung kết luận điều tra này thì cơ quan điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại, thậm chí cũng chưa xác định tư cách họ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Như vậy, người dân trên các chuyến bay này không được xác định là bị hại trong vụ việc (bởi các cá nhân tự thỏa thuận giá trên các chuyến bay với nhau, không có quy định cụ thể về việc áp giá chuyến bay, hoặc yêu cầu không được tăng giá vé).

Cũng theo kết luận, những người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ bay của các công ty thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước. Số tiền mà các đối tượng đưa hối lộ được lấy từ tiền vé máy bay, tiền chi phí cách ly, lưu trú đã thu của công dân về nước.

Kết luận điều tra không kết luận rằng, công dân về nước có hành vi đưa hối lộ, nếu các công dân phải chi số tiền lớn hơn số tiền mà nhà nước quy định thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền.

Mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi bộ luật dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.

Về góc độ pháp lý thì giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú sẽ biến động theo giá thị trường, nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với các dịch vụ này nên rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước.

"Có thể họ sẽ là những người làm chứng trong một số trường hợp. Khi đưa vụ án này ra xét xử, tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Trường hợp các công dân phải nộp các số tiền trái với quy định của nhà nước hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền hoặc có những hành vi khác khiến cho giao dịch đó bị vô hiệu (như bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép...) thì có thể khởi kiện thành vụ án dân sự riêng để đòi tiền đối với các doanh nghiệp đã thu tiền của công dân Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh.

Còn đối với các trường hợp giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lí để công dân có thể yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp này phải trả tiền.

Đối với các bị can không nhận trực tiếp lợi ích từ các cá nhân công dân nên sẽ không có trách nhiệm hoàn trả. Đối với hành vi nhận hối lộ thì của nhận hối lộ sẽ bị thu hồi, sung vào công quỹ nhà nước.

Trừ trường hợp người đưa hối lộ và chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần của hối lộ hoặc trả lại toàn bộ của hối lộ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 điều 364 bộ luật hình sự.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng đã thu hồi được một phần tiền các bị can nhận hối lộ. 

Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ mối quan hệ giữa công dân, cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức cho họ về nước, làm rõ tính pháp lý của các giao dịch phải nộp tiền để thực hiện các dịch vụ về nước trên các chuyến bay giải cứu.

Liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh. Một loạt cựu quan chức, cán bộ các Bộ: Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Y tế... có hành vi nhận hối lộ.

Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự 25 tỉ đồng, Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hơn 42 tỉ đồng...

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn