MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Bùi Thu Hằng.

Sở Y tế đổ lỗi BVĐK Hòa Bình trong sự cố chạy thận 9 người chết

Cường Ngô LDO | 16/01/2019 19:11

Chiều nay, VKS và các luật sư hỏi bà Bùi Thu Hằng - đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình liên quan đến trách nhiệm của Sở này trong sự cố y khoa chạy thận.

"Không thể đòi hỏi phác đồ nào hợp lý hơn"

VKS hỏi bà Hằng, theo kết quả điều tra thực tế, quy chế của bệnh viện và Đơn nguyên thận nhân tạo, quy định vị trí việc làm phải có kỹ thuật viên. Từ năm 2014 đến khi xảy ra sự cố y khoa là 3 năm, đơn nguyên này không có kỹ thuật viên, có nghĩa là Đơn nguyên lọc máu không đầy đủ vị trí việc làm, trách nhiệm này có liên quan đến Sở Y tế không?

Bà Hằng cho biết, trách nhiệm là của bệnh viện, không thể nói của Sở Y tế được. Hàng năm, Sở đều có văn bản tổng kết, đánh giá việc thực hiện các kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Khi thống kê, Sở Y tế nhận thấy, trong vòng một năm có hơn 15.000 người phải chạy thận. Vì vậy, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là điều cần thiết, dễ hiểu.

“Thử tưởng tượng, số người này phải xuống Bệnh viện Bạch Mai chạy thận thì tốn kém đến mức nào”, bà Hằng nói.

Bà Bùi Thu Hằng

VKS hỏi tiếp, Sở Y tế có bao giờ đánh giá, kiểm tra kỹ thuật chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình không?. "Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã thực hiện chương trình tổng kết 5 năm kết quả lọc máu ở bệnh viện.

Sau 5 năm đánh giá, tổng kết, so sánh với các bệnh viện khác, chúng tôi nhận thấy chuyên môn chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có sự tương đồng, đáp ứng ứng được nhu cầu chạy thận của bệnh nhân", bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải thường xuyên kiểm tra quy trình hoạt động của các khoa, không chỉ Đơn nguyên chạy thận.

“Bệnh viện chắc chắn phải kiểm tra với Đơn nguyên lọc máu”, bà Hằng khẳng định.

"Việc đánh giá sai nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa chạy thận nhân tạo (đánh giá ban đầu là bệnh nhân sốc phản vệ, không phải do nguồn nước) dẫn đến việc cấp cứu sai quy trình, gây ra sự cố nghiêm trọng, đại diện Sở Y tế trả lời thế nào?", VKS truy vấn.

Bà Hằng cho hay, việc đánh giá, chẩn đoán ngay thời điểm đó rất khó. Bệnh viện đã xử lý phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin ý kiến tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai, để kịp thời cứu chữa các bệnh nhân lọc máu.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thắng hỏi đại diện Sở Y tế Hòa Bình về ý này. Theo đó, vị luật sư này cho rằng, không có chuyện “đánh giá sai nguyên nhân gây ra sự cố mà còn nói phù hợp được với tình trạng người bệnh được. Đã sai là sai”.

Bà Hằng cho biết: “Với tình huống hi hữu như vậy, việc xử trí ban đầu là phù hợp với điều kiện, diễn biến của người bệnh. Triệu chứng ban đầu cũng là một triệu chứng của sốc phản vệ.

Thời điểm đó, chúng tôi cũng không dám nói nguyên nhân gây ra sự cố là gì, chỉ khi Hội đồng chuyên môn là những giáo sư, bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai kết luận thì mới rõ. Sự cố này là một thảm họa, không thể đòi hỏi pháp đồ nào hợp lý hơn. Tôi khẳng định rằng, phác đồ này không làm cho tình trạng bệnh nhân xấu đi”.

Hoàng Công Lương có phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO?

Viện dẫn văn bản trả lời của Sở Y tế Hòa Bình, luật sư Trần Hồng Phúc cho hay, Sở Y tế xác định, bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO, việc ra y lệnh của Lương là đúng, việc xác nhận của Hoàng Công Lương vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại cũng đúng - Điều này nghĩa là sao? Bà Hằng cho rằng, việc phân công nhiệm vụ của Lương, bà không biết nên đề nghị luật sư hỏi đại diện Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

“Theo bà, trong sự cố ngày 29.5, bác sĩ Lương có sai sót về chuyên môn không?”, luật sư hỏi.

Bà Hằng nói, bác sĩ Lương và các bác sĩ khác thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác, có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo bệnh viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn