MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tiền Phong.

Sự cố chạy thận ở Hoà Bình: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Bảo Thắng LDO | 07/07/2017 10:08
Sau tai nạn đáng tiếc 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hòa Bình, mới có 3 người được cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm, trong khi đó, hàng loạt vị trí liên quan chưa được xem xét. Với kết quả điều tra này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần mở rộng điều tra vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm.

Cần xem xét trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện

Phân tích của tiến sĩ luật Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - cho thấy, đây là vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần mở rộng điều tra vụ án để tránh lọt người, lọt tội cũng như oan sai.

Cụ thể, TS Thiệp đề xuất cơ quan điều tra Công an tỉnh Hoà Bình cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hoà Bình, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Hoà Bình và Ban giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình trong quá trình, quy trình chạy thận và xảy ra hậu quả.

Để thuyết phục quan điểm của mình, ông Thiệp đưa ra các lập luận: Trong tất cả ngành, nghề của đời sống xã hội, ngành y được nhìn nhận là vô cùng quan trọng, đòi hỏi các tiêu chuẩn chuyên môn khắt khe, bởi liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Tuy vậy, trong vụ việc này đã cho thấy sự cẩu thả, tuỳ tiện, phi khoa học và thiếu trách nhiệm của những người liên quan.

Theo chức năng, nhiệm vụ và Quy chế Khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành, ban giám đốc các bệnh viện phải có quy chế, nguyên tắc, quy trình cũng như phân công cụ thể cho các cá nhân trong việc sửa chữa, bảo dưỡng cũng như thay thế thiết bị y tế trước khi sử dụng vào việc khám, chữa bệnh để đảm bảo an toàn, nhưng ban giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình chưa thể hiện rõ ràng nội dung này.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế tỉnh Hoà Bình không hiệu quả, thiếu trách nhiệm khi không phát hiện thiếu sót của quy trình khám chữa bệnh cũng như hoạt động chạy thận tại Bệnh viện này.

Điều này có nghĩa, lực lượng thanh tra Sở Y tế, các thành viên trong ban giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý, chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, và như vậy, những người này phải được xem xét, truy cứu trách nhiệm chứ không thể vô can.

“Nếu ai cũng nói mình đã làm đúng quy trình, đúng thủ tục, đúng trách nhiệm thì chỉ có các bệnh nhân là thiệt thòi, là tử vong đúng quy trình mà thôi” – tiến sĩ Thiệp chua xót. 

Luật sư Lê Văn Thiệp.

Buông lỏng quản lý

Nghiên cứu kết quả điều tra bước đầu của Công an tỉnh Hoà Bình, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp nhận ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành tại bệnh viện.

Việc ký kết các hợp đồng liên quan giữa BVĐK tỉnh Hoà Bình và Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn có nhiều khuất tất. “Thật khó coi khi công tác bảo dưỡng hệ thống lọc nước dùng để chạy thận lại có thể giao cho một công ty có ngành nghề đăng ký hoạt động là “thoát nước và xử lý nước thải”. Hơn nữa, người đứng đầu công ty này lại chỉ tốt nghiệp hệ Trung cấp kỹ thuật, chuyên ngành Tự động hoá điều hành”.

Với chi tiết này, luật sư Thiệp đề nghị xem xét trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện cũng như lực lượng thanh tra thuộc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình.

Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng cần làm rõ là vai trò của bên thứ ba trong việc cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước dùng trong chạy thận của BVĐK tỉnh Hoà Bình. Bởi, vào ngày 25.5.2017, bệnh viện đã ký hợp đồng với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn để cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước.

Tuy nhiên, ít ngày sau, Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn lại ký kết với một một công ty xử lý nước khác (bên thứ ba) để làm thay nhiệm vụ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn