MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khoá từ ngày 31.3. Ảnh: Anh Vũ

Tái diễn cuộc gọi lừa đảo "khoá thuê bao điện thoại"

HUYÊN NGUYỄN LDO | 15/03/2023 08:00
Trong những ngày qua, nhiều người đã nhận được cuộc gọi lừa đảo "khoá thuê bao điện thoại" trong vòng 2 tiếng nữa dù số điện thoại đã được đăng ký chính chủ. 

Hôm nay 15.3 là ngày cuối nhà mạng thông báo tới người dùng yêu cầu bổ sung thông tin. Tới 31.3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi.

Lợi dụng vào quy định này, nhiều đối tượng đã bắt đầu tái diễn cuộc gọi lừa đảo "khoá thuê bao điện thoại".

Chị Lê Linh (Quận 7, TPHCM) cho biết, chiều 14.3, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến thông báo: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Vui lòng liên hệ tổng đài để biết thêm chi tiết...".

Theo chị Linh, cách thức cuộc gọi được thể hiện như 1 cuộc gọi tự động từ tổng đài nhưng đến từ số điện thoại 0828.566.03x.

"Giọng nữ được thể hiện khá giống với các "chị tổng đài". Nhưng vì thấy số điện thoại lạ, không giống với số tổng đài nên tôi xác định đây là cuộc gọi lừa đảo, bèn tắt máy luôn", chị Linh chia sẻ.

Cũng với chiêu thức tương tự, chị Minh Thảo (TP.Thủ Đức, TPHCM) được số lạ cảnh báo: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa sau hai giờ nữa nếu không chuyển khoản thanh toán cước, để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím...".

Không còn xa lạ với các chiêu thức lừa đảo cuộc gọi, chị Thảo tắt máy. Tuy nhiên, theo chị Thảo, không phải người dân nào cũng có thể nắm bắt được thông tin trên để tránh bị lừa đảo. 

Chiêu thức lừa đảo này không mới và từng "nở rộ" trong năm 2022. Kẻ gian giả danh cơ quan chức năng, nhân viên nhà mạng để yêu cầu người dùng nâng cấp thẻ SIM hoặc khai báo thông tin cá nhân rồi lợi dụng dữ liệu đó để chiếm đoạt SIM, tài khoản ngân hàng...

Công an Phường 2, quận Phú Nhuận (TPHCM) cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Để góp phần hạn chế tình trạng lộng hành của những kẻ mạo danh cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoặc phát tán nội dung rác nhằm lừa đảo thông tin, chiếm đoạt tài sản, từ tháng 11.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố hệ thống tiếp nhận xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo mới qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156, bên cạnh đầu số 5656 hiện nay. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, triển khai với tất cả các nhà mạng.

Theo kế hoạch của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 31.3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi.

Theo đó, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (thực hiện cuộc gọi đi, gửi tin nhắn) nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Cách kiểm tra thuê bao đúng quy định

Bên cạnh việc chờ đợi thông báo từ nhà mạng, chủ thuê bao di động đang sở hữu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có thể tải ứng dụng quản lý do nhà mạng cung cấp (trên cả 2 hệ điều hành iOS, Android) về thiết bị cá nhân.

Sau đó, đăng ký tài khoản/đăng nhập theo số điện thoại đang sử dụng để kiểm tra dữ liệu trong phần Thông tin thuê bao (hoặc tương tự, có sự khác nhau ở từng phần mềm). Nếu thông tin chưa chính xác, người dùng cũng có thể trực tiếp cập nhật dữ liệu mới thông qua các chương trình này trực tiếp từ thiết bị cá nhân mà không cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng.

Một kênh trực tuyến khác là sử dụng website chính thức của nhà mạng, đăng nhập tài khoản (theo số điện thoại đang sử dụng) để kiểm tra thông tin cá nhân đang gắn với thuê bao hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn