MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tai nạn liên hoàn cao tốc Long Thành - Dầu Giây: Quản lý đường cao tốc không thể vô can

Cường Ngô LDO | 04/04/2018 19:13
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Anh Thơm về vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chiều qua (3.4).

Vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 3.4 khiến nhiều người bị thương, hàng loạt ôtô hư hỏng nặng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do khói đốt đồng của người dân ở sát đường cao tốc bốc lên quá nhiều, tràn vào cao tốc, khiến tài xế bị hạn chế tầm nhìn.

Ai gây tai nạn phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp với điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông.

Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc.

Trong trường hợp, khi thấy khói mù che khuất tầm nhìn, đáng lẽ các phương tiện phải chủ động giảm tốc độ (có thể dừng lại ở làn khẩn cấp), phát tín hiệu cảnh báo thì sẽ hạn chế việc va chạm đâm nhau liên hoàn vào các xe đi trước. Do đó, xảy ra thiệt hại thì người nào gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm của đơn vị quản lý đường cao tốc đến đâu?

Luật sư Thơm cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm Ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, bởi là tuyến đường BOT, có thu phí nên phải có trách nhiệm đảm bảo điều kiện lưu thông.

Tuy nhiên, ở đây, trong phạm vi quản lý của mình nhưng ban quản lý đã để sự cố xảy ra. Khi phát hiện sự cố khói mù mịt uy hiếp sự an toàn của tuyến đường cao tốc qua camera giám sát thì cần phải có ngay biện pháp thông báo cảnh báo an toàn ngay cho các phương tiện đang lưu thông, có thể bằng cách qua VOV giao thông, nhân viên tuần tra trên tuyến đường hướng dẫn cảnh báo.

Người dân đốt rơm rạ có bị xử lý?

Theo luật sư, những năm gần đây, sau khi thu hoạch lúa, người nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông.

Xét hành vi của người đốt rơm rạ trong vụ việc này là gián tiếp gây ra hậu quả. Để xử lý về hành vi cản trở giao thông trong vụ việc này là không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm.

Hành vi đốt rơm rạ gây khói bụi ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi “Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn