MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: CACC

Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng bị gia hạn tạm giam hai tháng?

Việt Dũng LDO | 22/06/2022 13:29
Việc gia hạn tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, theo luật sư, Bộ Luật Tố tụng hình sự có quy định rõ về biện pháp ngăn chặn với bị can khi vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Như Lao Động đưa tin, ngày 22.6, Viện KSND TPHCM đã gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, theo đề nghị của Công an TPHCM. 

Bị can Hằng đang bị điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật hình sự.

Cơ quan chức năng cho biết, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, nên việc tiếp tục tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng là cần thiết.

Luật sư Hà Thị Khuyên nói về việc gia hạn tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: NVCC

Vậy cơ sở nào để cơ quan chức năng thực hiện biện pháp tố tụng trên?

Theo luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, tạm giam bị can là một biện pháp ngăn chặn đã được luật định, được thực hiện sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, được quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Việc cơ quan điều tra xác định không có căn cứ để thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Nguyễn Phương Hằng trong khi tội danh mà bị can này bị khởi tố và tạm giam là tội có tính chất nghiêm trọng.

Theo luật sư Khuyên, việc gia hạn trên có thể xuất phát từ việc cơ quan điều tra cho rằng, bà Nguyễn Phương Hằng không thành khẩn, không nhận tội và có căn cứ xác định biện pháp ngăn chặn là tạm giam tại khoản 2, Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Mặt khác, trong vụ án Nguyễn Phương Hằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ Luật Tố tụng Hình sự do đã hết thời gian tạm giam, nên cơ quan điều tra phải căn cứ khoản 2, Điều 173 Bộ luật tố tụng Hình sự để gia hạn tạm giam để tiếp tục điều tra.

Điều này được cơ quan chức năng cho rằng, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 173 Bộ luật tố tụng Hình sự thì “đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng” việc gia hạn tạm giam chỉ được thực hiện 1 lần. Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do.

Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Đối với tội danh trên, bà Nguyễn Phương Hằng có thể bị gia hạn tạm giam thêm 2 tháng.

Ngoài cơ quan điều tra, thì thẩm quyền gia hạn tạm giam còn được thực hiện bởi Viện kiểm sát, quy định tại khoản 3, Điều 173 Bộ luật tố tụng Hình sự.

Theo đó, Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng.

Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn