MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao chưa khởi tố vụ tra tấn người làm thuê như thời trung cổ ở Gia Lai?

Cường Ngô LDO | 24/07/2018 12:03

Theo chuyên gia tội phạm học, sở dĩ đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ tra tấn người làm thuê như thời trung cổ vì còn có một số việc cần làm rõ.

Như đã đưa tin, Công an huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đang tiến hành điều tra vụ chị Y Nhiêu (23 tuổi, xã Đak Pét, huyện Đăk Glei) bị chủ quán càphê tên Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga, ở tổ 3, phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai) hành hạ dã man.

Theo lời kể, ban đầu, Y Nhiêu đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn nhưng bị bà chủ dọa giết cả người thân nên cô không dám. Tuy nhiên, khi bị bà chủ dọa cắt lưỡi, vì quá hoảng sợ, cô đã bỏ trốn trong lúc đi đổ than và đến trình báo công an.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, bà Hà bắt đầu hành hạ, đánh đập Y Nhiêu dã man. Sau mỗi lần dùng ma túy, bà chủ thường đổ cho cô trộm tiền để lấy cớ đánh đập.

Bà chủ Nguyễn Thị Hà - người tra tấn chị Y Nhiêu. Ảnh: Đình Văn

Vậy tại sao cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án như đề nghị của Bộ trưởng Lao Động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung? Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân phân tích: Cơ quan chức cần tổ chức giám định thương tích cho bị hại, từ đó căn cứ vào tỉ lệ thương tật để xác định mức quy định hình phạt.

Kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mà bên bị hại có đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ xử lý theo tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu bà Hà dùng hung khí nguy hiểm hành hạ chị Y Nhiêu và hành hạ trong thời gian dài, cơ quan tố tụng có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng như phạm tội nhiều lần, dùng hung khí nguy hiểm.

Cũng theo đại tá Thìn, pháp luật hiện hành không xem "ngáo đá" là mất năng lực hành vi dân sự, vì vậy, bà Hà vẫn bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

"Khi "ngáo đá", thần kinh của đối tượng không đảm bảo, mất khả năng nhận thức - đây là cơ chế tác động tâm lý về mặt thần kinh. Tuy nhiên, luật hình sự quy định, người sử dụng ma túy, chất kích thích mà gây án vẫn bị coi là phạm tội bình thường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", đại tá Thìn cho hay.

Liên quan tới vụ việc chị Y Nhiêu (SN 1995, thôn Pêng Siêl, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum) bị tra tấn khi làm thuê tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đề nghị hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum phối hợp điều tra, khởi tố vụ án.

Đề nghị này được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra trong buổi làm việc của Ban Bí thư Trung ương Đảng với tỉnh Gia Lai, ngày 22.7.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn