MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe container do tài xế Hiếu lái gây tai nạn chiều 2.1. Ảnh: Hoàng Nam.

Tài xế container đâm loạt xe máy có được phép rời khỏi hiện trường?

Cường Ngô LDO | 05/01/2019 08:21
Sau khi đâm 21 xe máy khiến 4 người tử vong, 16 người bị thương, tài xế Phạm Thành Hiếu bỏ chạy. Nhiều người thắc mắc, liệu tài xế có quyền rời hiện trường sau khi gây tai nạn không?

Liên quan vấn đề này, trao đổi với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, hành vi gây tai nạn cho người khác, nhưng không cứu giúp, mà bỏ trốn, rời hiện trường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT tại Điều 38 Bộ luật này, phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn, phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Người gây ra tai nạn ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến. Trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương, phải đưa đi cấp cứu; hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu; hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.

Theo luật sư Bình, khoản 17, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người gây tai nạn bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

Hiện trường vụ tai nạn ở Long An.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nếu người gây tai nạn ở lại hiện trường thì có thể bị người thân của nạn nhân hoặc của người tham gia giao thông khác hành hung, tấn công, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, thì họ được phép rời khỏi hiện trường (tạm lánh), nhưng phải trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đối với hành vi gây TNGT không dừng lại, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, nếu bị phát hiện sẽ có thể bị xử phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo quy định tại Điểm c, khoản 7, điều 6.

Nếu vụ tai nạn đó có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, dưới góc độ pháp luật hình sự, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Cụ thể: Theo điểm c, khoản 2, điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Khoảng 15h30 chiều 2.1, tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, quê Long An) lái xe đầu kéo chở hai thùng container, hướng từ miền Tây về TPHCM. Đến ngã tư Bình Nhựt, đoạn gần cầu Bến Lức, tỉnh Long An, xe bất ngờ tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ phía trước. Hậu quả vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, 16 người khác bị thương, 21 xe máy biến dạng.

Sau khi ra trình diện cơ quan công an, tài xế Phạm Thành Hiếu được đưa đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Long An vào nửa đêm 2.1. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tài xế Phạm Thành Hiếu dương tính với heroin trong nước tiểu và trong máu có nồng độ cồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn