MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn chiều 5.4 tại Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Tài xế gây tai nạn liên hoàn ở Hà Nội có thể bị khởi tố, bồi thường

Việt Dũng LDO | 06/04/2023 12:40

Dưới góc độ pháp lí, 2 chuyên gia luật cho rằng, tài xế gây tai nạn liên hoàn ở quận Tây Hồ có thể bị khởi tố và chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân.

Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra ở thời điểm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn do bắt đầu giờ cao điểm, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.

Qua camera ghi lại được thì cú đâm liên hoàn và không kiểm soát được của tài xế dẫn tới hàng loạt phương tiện đang lưu thông bị hất văng, hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng nhiều nạn nhân bị thương nặng phải cấp cứu và nhiều phương tiện hư hỏng nặng.

Qua kiểm tra ban đầu cơ quan chức năng xác định tài xế không dương tính với các chất kích thích, đưa vợ từ bệnh viện Tim về nhà thì xảy ra tai nạn.

Theo luật sư Khuyên, trong sự việc này, cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này, yếu tố lỗi thuộc về những ai; tiến hành khám nghiệm hiện trường; trích xuất dữ liệu camera xung quanh vụ tai nạn; lấy lời khai của những người làm chứng và những người liên quan, giám định tỉ lệ thương tích các nạn nhân, định giá tài sản thiệt hại… Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Động thái khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và tạm giữ hình sự đối với tài xế, điều cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật là có.

Tuy nhiên có hay không hành vi vi phạm của vị tài xế thì phải thông qua hoạt động điều tra để có căn cứ khởi tố hay không khởi tố bị can đối với tài xế này.

Luật sư Khuyên nhấn mạnh, với tội trên, cơ quan điều tra phải chứng minh được tài xế trên đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như: vi phạm về tốc độ, khoảng cách giữa các xe, về chú ý quan sát, vượt xe, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ…

Và những quy định bắt buộc đối với tài xế khi điều khiển phương tiện phải tuân thủ như có giấy phép lái xe đúng quy định, không sử dụng rượu bia và chất kích thích…

Nếu tài xế có những lỗi vi phạm nêu trên dẫn tới không chấp hành quy định cụ thể của pháp luật giao thông đường bộ gây nên vụ tai nạn giao thông thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên.

Luật sư Đoàn Thị Khuyên chia sẻ quan điểm về vụ tai nạn liên hoàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng tình quan điểm trên, song luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích thêm, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc đối với tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Nếu hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa cấu thành tội phạm này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của Điều 260.

Đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra.

Cụ thể tại khoản 1 Điều 260 quy định cấu thành tội phạm cơ bản xác định hậu quả của hành vi phạm tội có thể là: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - 500 triệu đồng.

Như vậy, chỉ khi có hậu quả xảy ra và hậu quả đó phải là gây thiệt hại cho tính mạng cho người khác, gây thương tích hoặc sức khỏe cho người khác với một tỉ lệ nhất định hoặc gây thiệt hại về tài sản ở mức độ nhất định, người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Nếu hậu quả càng lớn, hình phạt mà vị tài xế sẽ đối mặt sẽ càng lớn hơn.

Ngoài ra, trong vụ án này có thiệt hại cụ thể về người và tài sản, nên nếu xác định yếu tố lỗi thuộc về vị tài xế, ông này phải thực hiện trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân và chủ phương tiện khác bị thiệt hại theo quy định như sau:

Đối với thiệt hại về tài sản việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Đối với thiệt hại về sức khỏe việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn