MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TAND TPHCM yêu cầu hạn chế việc sử dụng ôtô đến toà ở phiên xử Vạn Thịnh Phát

Minh Tâm - Anh Tú LDO | 04/03/2024 18:20

TPHCM - Chiều ngày 4.3, đại diện TAND TPHCM thông tin nhanh với báo chí về công tác chuẩn bị cho phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát từ ngày mai (5.3). Theo đó, luật sư, nhà báo được bố trí khu vực tác nghiệp riêng, sử dụng máy tính do tòa án cung cấp.

Chiều ngày 4.3, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TPHCM cho biết, công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng TMCP SCB và các đơn vị có liên quan đã hoàn tất.

Về việc tác nghiệp đưa tin phiên xử, ông Duy cho biết, sẽ được tòa bố trí phòng tác nghiệp riêng. Chỉ một số báo đài nhất định được phép vào tác nghiệp đầu giờ phiên tòa cho đến khi kết thúc khai mạc phiên tòa.

“Sau đó, tòa đề nghị phóng viên, nhà báo tập trung về phòng báo chí để tác nghiệp tiếp tục. Các luật sư, nhà báo, phóng viên tham gia phiên xử sẽ được tòa án bố trí máy tính để sử dụng”, ông Duy thông tin.

Ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TPHCM thông tin đến báo chí về công tác chuẩn bị phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát vào ngày mai 5.3. Ảnh: Anh Tú

Ông Duy cho biết, phiên tòa này là giai đoạn 1 của vụ án, trong giai đoạn này tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 của vụ án là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Tòa bố trí phòng tác nghiệp riêng cho báo chí và cung cấp máy tính để tiện sử dụng. Ảnh: Anh Tú

Đối với các bị cáo, đại diện tòa cho hay, đã bố trí đầy đủ nơi cách li cũng như giam giữ và nơi nghỉ ngơi của các bị cáo cho tới giờ xét xử.

Đại diện TAND TPHCM cũng cho biết, do trụ sở TAND TPHCM đang trùng tu giai đoạn 2 nên cơ sở vật chất hiện tại chỉ đủ bố trí cho các bị cáo, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các cơ quan báo chí và lực lượng bảo vệ phiên tòa. Do đó, không thể bố trí chỗ ngồi cho người thân của các bị cáo tham dự phiên tòa.

Do trụ sở TAND TPHCM đang trùng tu giai đoạn 2 nên cơ sở vật chất hiện tại chỉ đủ bố trí cho các bị cáo, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các cơ quan báo chí và lực lượng bảo vệ phiên tòa. Ảnh: Anh Tú

Chánh Văn phòng TAND TPHCM cũng lưu ý, do vụ án có số lượng bị cáo lớn nên người tham dự phiên tòa hạn chế thấp nhất việc sử dụng ôtô đến toà. Người dân tránh tập trung trước trụ sở tòa án để tránh ảnh hưởng đến giao thông.

“Những người dân liên hệ công tác ở tòa án vẫn hoạt động bình thường vì phiên xử có khu riêng. Người dân liên hệ công tác thì đi đúng nơi, đúng chỗ vì số lượng bị cáo đông dẫn đến gây khó khăn cho công tác an ninh”, ông Duy nói.

Phía bên ngoài tòa án, lực lượng chức năng đang dựng rào chắn chuẩn bị công tác an ninh cho phiên tòa ngày mai. Ảnh: Anh Tú

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong gần 2 tháng (từ ngày 5.3 đến ngày 29.4), do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa. Có 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa.

Cáo trạng xác định, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân, từ năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bị cáo Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bị cáo Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Cáo trạng xác định, trong 10 năm, từ năm 2012 đến 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lí. Tính đến tháng 10.2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỉ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỉ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỉ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong 18 thành viên đoàn thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc Nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 người bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người không bị xử lí hình sự...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn