MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tang vật được nhóm đối tượng sử dụng để sản xuất nước hoa giả, lừa đảo bán nước hoa giả. Ảnh: Công an TP Thái Bình cấp

Thái Bình: Thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất, lừa bán nước hoa giả

TRUNG DU LDO | 21/11/2022 21:59
Như Lao Động đã thông tin, chiều ngày 21.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố 4 bị can (trong đó tạm giam 3 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ án này, 3 trong số 4 bị can vừa bị khởi tố cùng với 10 đối tượng khác trước đó cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Thái Bình ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Ổ nhóm do đối tượng Nguyễn Duy Khánh (27 tuổi, trú tại thôn Phúc Khánh, xã Vũ Phúc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cầm đầu, điều hành.

Hồ sơ vụ án thể hiện: Nguyễn Duy Khánh góp vốn cùng 2 đối tượng là Lê Kim Hải (22 tuổi, trú tại huyện Thái Thụy) và Nguyễn Thanh Tân (25 tuổi, trú tại TP Thái Bình) thành lập mô hình công ty để sản xuất hàng giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Khánh phân công vai trò cụ thể cho từng người trong nhóm "cổ đông", trong đó Khánh giữ vai trò cầm đầu. Cụ thể, Khánh móc nối với nhân viên bưu tá của một bưu cục bưu chính trên địa bàn TP Thái Bình để mua và thu thập thông tin của người dùng như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm dịch vụ đã mua để làm thông tin cho các đối tượng còn lại sử dụng để đi lừa đảo.

Khánh đồng thời là người mua sim điện thoại, tem, nhãn mác, khay, vỏ hộp… Lê Kim Hải là đối tượng tìm và móc nối với đối tượng sản xuất lọ và nước hoa giả; Nguyễn Thanh Tân có vai trò quản lý tài chính. 

Phương tiện nhóm tội phạm sử dụng để lừa đảo bán nước hoa giả. Ảnh: Công an TP Thái Bình cấp

Các đối tượng thuê các nhóm nhân viên nữ, sử dụng các dữ liệu do Khánh cung cấp. Tiếp đó, các nhân viên nữ này gọi điện thoại cho các khách hàng, giả danh là nhân viên hãng nước hoa hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng của các hãng thời trang, hàng hóa bất kỳ - nơi mà các bị hại đã từng mua sản phẩm. 

Với chiêu bài tri ân, cảm ơn khách hàng đã luôn đồng hành, ủng hộ sản phẩm của mình, các nhân viên nữ mạo danh này cho biết đơn vị sẽ tặng mỗi khách hàng này 1 lọ nước hoa có xuất xứ từ Pháp với chi phí nhận quà là 99.000 đồng.

Để tăng hiệu quả, các đối tượng cầm đầu đã trả thêm cho những nhân viên nữ tham gia lừa đảo 1% tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm lừa đảo thành công. 

Với thủ đoạn như vậy, với giá gốc là 6.500 đồng/1 sản phẩm, sau khi trừ hết chi phí có liên quan, các đối tượng thu lợi từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/trên 1 sản phẩm.

Về quy trình sản xuất hàng giả: Nhóm đối tượng đặt mua tem mác, vỏ hộp, túi chống va đập, lọ và nước hoa giả qua mạng xã hội rồi về thuê người đóng gói giống hệt như sản phẩm thật. Sau đó các đối tượng gửi hàng giả cho khách hàng thông qua đường bưu điện. 

Nước hoa giả được các đối tượng mua trên mạng. Ảnh: Công an TP Thái Bình

Vẫn theo tài liệu của cơ quan điều tra, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3.2022 đến đầu tháng 6.2022, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt được của gần 10.000 người ở 700 đơn vị hành chính cấp quận huyện trên cả nước, với tổng số tiền chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. 

Tổng khối lượng hàng hóa là nước hoa bị làm giả mà cơ quan điều tra thu giữ có giá trị lên đến gần 8 tỉ đồng. Các đối tượng còn mở rộng "vòi bạch tuộc" của mình bằng cách mở các chi nhánh tại Hà Nội, Điện Biên và thuê người quản lý.

Tiếp đó, các đối tượng đóng gói, dán tem mác giống hệt hàng chính hãng của Pháp rồi lừa bán đi. Ảnh: Công an TP Thái Bình

"Nước hoa của các thương hiệu cao cấp vốn là món hàng xa xỉ mà rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, trong những năm qua đời sống vật chất của người dân ngày càng nâng cao, nên nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này cùng tăng theo. Do đó đây là miếng bánh ngọt béo bở để các loại tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sản xuất buôn bán hàng giả tận dụng kiếm tiền phi pháp. Loại tội phạm này gây ảnh hưởng không nhỏ cho các thương hiệu chính hãng, cơ quan thuế thất thu và đặc biệt là chà đạp lên quyền lợi của người tiêu dùng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật" - lãnh đạo Công an TP Thái Bình, nhận định.

Do vậy, Công an TP Thái Bình đã quyết tâm thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình là "nhổ tận gốc, trốc tận rễ, tiêu diệt từ trong trứng nước" đối với tội phạm; không để hình thành đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, lộng hành. 

Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo Công an TP Thái Bình tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ tài liệu để tiến hành truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn