MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nga bị vô hiệu từ ngày 7.9. Ảnh: Thế Kha

Thẩm phán ở Thái Nguyên xài bằng giả có dấu hiệu tội phạm

Bảo Thắng LDO | 12/09/2017 09:16
Sáng 12.9, trao đổi với PV Báo Lao Động, các chuyên gia pháp lý cho hay, việc thẩm phán ở TAND TP.Thái Nguyên dùng bằng giả có dấu hiệu tội phạm.

Cụ thể, theo luật sư Vi Văn A – Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn luật sư TP.Hà Nội phân tích, thẩm phán Nguyễn Thị Nga – TAND TP.Thái Nguyên dùng bằng THPT giả thoả mãn dấu hiệu tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự. Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, luật sư Vi Văn A cho biết, có thể xử phạt đến 7 năm tù.

Trường hợp của thẩm phán Nguyễn Thị Nga, theo đánh giá của luật sư Hằng Nga – Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Ở đây, thẩm phán Nga đã sử dụng bằng cấp 3 giả để đi thi đại học, sau đó trở thành một thẩm phán, được nhân danh Nhà nước để đưa ra các quyết định, bản án, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả ngàn công dân. Như vậy, việc một người không đủ tư cách, tư chất, đạo đức, trình độ lại đứng trong hàng ngũ bộ máy công quyền sẽ tiềm ẩn mối hoạ lớn khi ban hành các quyết định, bản án” – luật sư Hằng Nga nhận định.

Cũng theo quan điểm của luật sư Hằng Nga, cần xử lý nghiêm trường hợp thẩm phán sử dụng bằng giả để tiến thân.

Quay lại vụ việc, hôm 11.9, ông Lê Tiến Châu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội - đã ban bố quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga (SN 1976) – thẩm phán TAND TP.Thái Nguyên. Lý do được đưa ra chính là việc bà Nga đã sử dụng bằng THPT giả.

Trả lời TAND tỉnh Thái Nguyên về chuyện có hay không bà Nga đã đỗ tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản khẳng định, năm 1994, bà Nguyễn Thị Nga đã thi trượt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sau khi có đơn tố cáo bà Nga sử dụng bằng giả, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xác minh tại trường học nơi bà Nga được đào tạo, đối chiếu các thông tin trên bằng tốt nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga, cơ quan chức năng đã bất ngờ khi phát hiện, chủ nhân của các số hiệu trên bằng tốt nghiệp mang tên một người khác.

Với nội dung này, bà Nga đã có văn bản giải trình, khẳng định sau khi thi tốt nghiệp THPT, đã làm đơn phúc khảo bài thi và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Bà Nga dùng giấy này dự thi và trúng tuyển Trường đại học Luật Hà Nội. Đến năm 1999, bà Nga được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân luật hệ chính quy.

Tuy nhiên, với việc sử dụng bằng giả, theo ông Lê Tiến Châu, từ ngày 7.9.2017, toàn bộ kết quả học tập cũng như tấm bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nga sẽ bị vô hiệu.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn