MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Hữu Chánh

Thay đổi cư trú có bắt buộc làm lại thẻ căn cước?

Việt Dũng LDO | 25/04/2023 08:38
Dự thảo Luật Căn cước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Theo đó, Luật Căn cước mới sẽ mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật mới còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Bên cạnh đó, sẽ có những quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn về nguyên tắc quản lý căn cước; cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước;

Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử…

Luật Căn cước mới sẽ mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử.

Từ đó tạo kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư, như: bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Tất cả những điều này để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Khi công dân thay đổi nơi cư trú có phải làm lại thẻ căn cước không?

Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của người dân (không bắt buộc).

Nếu người dân chưa có điều kiện cấp đổi căn cước vẫn có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khẳng định, căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; chỉ khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước mới.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được quy định tại Điều 25 của Dự thảo. Theo đó, thẻ căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng sinh;

Xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật; Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân;

Thu hồi số định danh cá nhân; Thay đổi nơi thường trú; Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây: bị mất thẻ căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn